Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM trả lời chất vấn. Ảnh: Trọng Tín.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM trả lời chất vấn. Ảnh: Trọng Tín.

Sẽ đề xuất phương thức đầu tư hợp lý với nhà thi đấu Phan Đình Phùng

0:00 / 0:00
0:00
Các sở ngành của TP.HCM đang phối hợp, rà soát cùng nhà đầu tư để đề xuất UBND Thành phố phương thức đầu tư hợp lý nhất với dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Ngày 10/12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM. Một trong những nội dung mà đại biểu đặt vấn đề là tiến độ triển khai Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú, TP. Thủ Đức) và nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3).

Các thủ tục đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng đang tiến triển thuận lợi

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM cho biết, nhà thi đấu Phan Đình Phùng vướng do yếu tố do lịch sử để lại. Năm 2010, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho áp dụng thí điểm hình thức hợp đồng BT.

Ban đầu, dự án do Công ty TNHH An Tạo đề xuất tham gia, nhưng sau đó doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Do vậy, họ đã chủ động đề nghị Tổng công ty cổ phần Đền bù Giải tỏa thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và hai bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng. Công ty An Tạo đồng thời đã đề xuất chuyển quyền đầu tư dự án này cho một đơn vị khác.

“Thành phố đã chỉ đạo cho rà soát lại thật kỹ về dự án này, và cũng thấy rằng nếu để tồn tại quỹ đất như thế này là không phù hợp. Đây cũng không còn là câu chuyện của các nhà đầu tư nữa mà đó là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Do vậy, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo cho các sở phối hợp rà soát các vướng mắc liên quan đến dự án này”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thực hiện, việc thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của các nhà đầu tư nhằm bảo đảm năng lực chuyên môn tài chính để triển khai dự án và không phải xuất phát từ phía cơ quan nhà nước. "Cái này do họ tự thỏa thuận với nhau, cho nên cơ sở pháp lý ở đây là không chuẩn".

Ngoài ra, quy định pháp luật về đấu thầu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2017 đã có nhiều thay đổi và nếu chỉ căn cứ vào nội dung cho phép, chỉ định của Thủ tướng thì không còn phù hợp.

Với vướng mắc như vậy, ông Thuận cho rằng khi nếu tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng BT sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Cùng với tính cấp thiết thực hiện ngay dự án, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo dừng đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư và chuyển về hình thức đầu tư công.

Hiện nay, Tổ công tác của Thành phố cùng với nhà đầu tư đang tập trung rà soát để đề xuất với UBND Thành phố một phương thức đầu tư hợp lý nhất và sẽ đề xuất với lại HĐND Thành phố thông qua dự án này. “Các thủ tục đang tiến triển khá thuận lợi và sẽ báo cáo để công bố dự án này trong dịp Thành phố kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Thuận nói thêm.

Rất khó triển khai tiếp tục các dự án thuộc khu Rạch Chiếc

Đối với Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM cho biết, năm 2000, UBND Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết của khu Rạch Chiếc với diện tích được phê duyệt là 410 ha. Đến năm 2002, Thành phố điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng của khu Rạch Chiếc xuống còn 227 ha.

Đến tháng 8/2010, tức sau 8 năm Thành phố đã ban hành quyết định điều chỉnh diện tích quy hoạch thực tế còn 180 ha và đến năm 2013, khu Rạch Chiếc được điều chỉnh là 222 ha, bao gồm Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc do Sở Văn hóa Thể thao Thành phố làm chủ đầu tư, diện tích hợp trong 80 ha, còn lại 41 ha thuộc các dự án thành phần, các chủ đầu tư khác.

Sang năm 2021, UBND Thành phố đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Theo đó, phạm vi nghiên cứu của đề án là 212,9 ha, bao gồm Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc quy mô là 186,78 ha và phần diện tích 26,12 ha thuộc phạm vi quy hoạch của Khu Sài Gòn Sport City nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ.

Theo ông Thuận, Khu Rạch Chiếc nằm trong tổng thể của khu đô thị mới Thủ Thiêm, và Thành phố cần phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích còn lại. Kinh phí để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng rất lớn. Do vậy, Thành phố rất khó khăn trong việc triển khai tiếp tục các dự án thuộc khu Rạch Chiếc.

“Trước đây, Thành phố cũng có kêu gọi một số dự án đầu tư liên quan đến đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi thay đổi Luật Đầu tư công, Thành phố không được tiếp tục đối tác công tư tại khu vực này nữa”, ông Thuận nói thêm.

Do vậy, sau khi hình thức PPP được tái khởi động, Thành phố tiếp tục mời gọi đầu tư. Trong 21 dự án mà HĐND Thành phố phê duyệt để kêu gọi đầu tư thì có đến 12 dự án thành phần nằm trong khu Rạch Chiếc.

“Chúng ta bị gián đoạn thời gian do yếu tố điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và cũng như quy định về mặt pháp luật có những điều chưa phù hợp trong giai đoạn triển khai tiếp theo”, ông nói.

Một điểm nữa, TP. Thủ Đức vừa qua có đề xuất tiếp tục điều chỉnh diện tích giảm còn 54,44 % so với dự kiến ban đầu, nhằm huy động được quỹ đất để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, kể cả trong đó có văn hóa, thể thao của TP. Thủ Đức.

“Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đã liên tục kiến nghị với HĐND Thành phố. Chúng tôi đã cùng với Ban Văn hóa Xã hội đi khảo sát và có cuộc trao đổi. Chúng tôi cũng kiến nghị với UBND Thành phố làm sao bảo tồn được quỹ đất hiện nay đang dành cho thể thao thành phố mà cụ thể là khu Rạch Chiếc”, ông nói, đồng thời cho biết, hiện quỹ đất Thành phố dành cho hoạt động văn hóa, thể thao chỉ chiếm khoảng 1,35 %. Đây là một tỷ lệ thấp so với lại tổng thể chung của cả nước.

Do đó, ông mong HĐND cân nhắc quyết định, làm sao bảo đảm được diện tích đất hiện nay còn lại 186 ha của khu Rạch Chiết là dành cho hoạt động của thể thao Thành phố.

Tin bài liên quan