Sẽ đánh thuế cao hơn với người sử dụng đất vượt hạn mức

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà .

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà .

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, khi thảo luận tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hoá đất đai không sử dụng.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu ý kiến Đại biểu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế - Bộ trưởng Trần Hồng Hà hồi âm.

Vẫn liên quan đến thuế, một số ý kiến đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội; đề nghị quy định việc điều tiết hài hòa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương.

Báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Đại biểu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về điều tiết nguồn thu từ đất, theo Bộ trưởng, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc; việc điều tiết cụ thể thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

Bên cạnh nội dung trên, Bộ trưởng Hà cũng hồi âm ý kiến đại biểu về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78). Đây là nội dung được rất nhiều đai biểu quan tâm khi thảo luận tại nghị trường, với quan điểm nhiều chiều.

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất như thu hồi đất để thực hiện làm trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, bảo trợ xã hội, dự án cần thu hút đầu tư địa phương, dự án du lịch, sân golf, sinh thái có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, hạn chế việc thu hồi đất ở, đất phi nông nghiệp, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án đặc biệt quan trọng do Quốc hội quyết định.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa cụ thể điều kiện, tiêu chí, chưa phân biệt rõ với dự án có mục đích kinh tế đơn thuần, còn quy định quá rộng, chung chung, chưa làm rõ nội hàm thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại mang tính liệt kê các trường hợp, chưa làm rõ trường hợp thật cần thiết theo quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013.

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW và Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau nên Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về nội dung này để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai.

Trước mắt, cơ quan soạn thảo đã bổ sung trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất, làm trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao tại khoản 1 Điều 78 dự thảo Luật; bổ sung tiêu chí thu hồi đất thực hiện dự án đô thị, khu dân cư nông thôn so với trường hợp tự thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 128 dự thảo Luật - Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, đây là nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, khó thực hiện chủ trương Nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng việc sử dụng đất để thực dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại có 2 nhóm.

Một là dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW “giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”.

Hai là trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Điều 128.

Cụ thể, điều 128 quy định ba trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất, trong đó có "Thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn".

Theo chương trình phiên họp thứ 18 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến vào chiều 13/12.

Tin bài liên quan