Liên quan đến việc đảm bảo tiền mặt và an toàn thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “ATM sẽ đảm bảo mức tối đa chứ không thể 100% hoạt động thông suốt tất cả mọi lúc, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đừng vì 1-2 máy ATM trục trặc mà đánh giá cả hệ thống yếu kém”.
Cụ thể, thông tin từ cuộc Họp báo chiều nay (8/1) tại NHNN, cơ quan này cho biết, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018, ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo tổ chức tín dụng về chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn hoạt động ATM, NHNN đã có văn bản chỉ đạo trên toàn hệ thống như Công văn số 10303/NHNN-TT ngày 20/12/2017; Công văn số 10441/NHNN-TT ngày 25/12/2017.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo.
Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Kho quỹ NHNN cho biết, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán, từ đầu tháng 12/2017, NHNN đã thực hiện điều chuyển tiền mặt từ Trung ương đến các tỉnh thành phố. Trong đó, ưu tiên những thành phố kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
“Dự kiến, mức cung ứng năm nay tăng 20% so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và việc cung ứng sẽ kết thúc trước ngày 7/2/2018”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho biết thêm, NHNN sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, không chỉ có lượng tiền đã qua lưu thông, mà cả tiền mới mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên cũng sẽ được cung ứng. Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh, NHNN vẫn tiếp tục phát huy chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.
“Con số tiết kiệm dự kiến năm 2018 không đưa mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống là 280 tỷ đồng. Theo đó, tính từ năm 2013 (năm bắt đầu thực hiện chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ) đến nay đã giúp tiết kiệm khoảng 2.200 tỷ đồng”, ông Lâm thông tin.
Đối với công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ thanh toán dịp Tết, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán NHNN cho biết, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thường xuyên theo dõi giám sát hoạt động của hệ thống ATM đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt.
Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động. Cùng với đó là tăng cường hoạt động ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng ATM quá tải. Chủ động làm việc với các DN điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho các ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lưởng, thưởng tết tại các khu vực có ATM quá tải… Đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM…
“Một số chi nhánh NHNN các tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn phải có phương án trong trường hợp quá tải sẽ chi trả tiền mặt cho dân cư, nếu các TCTD vi phạm, sẽ bị xử phạt theo Thông tư 36. Đặc biệt, với việc triển khai Đề án không dùng tiền mặt, rút tiền mặt qua ATM đã giảm từ 15% của năm 2016 xuống còn 10% trong năm 2017”, ông Dũng cho biết.