Ngoài 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được công khai vào giữa tháng 7/2017, vì sao đến nay, Bộ Tài chính chưa tổng hợp và công khai tiếp các doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, thưa ông?
Ngày 3/7/2017, Bộ Tài chính có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngày 13/7/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, đồng thời tiếp tục tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn lại, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Đặng Quyết Tiến
Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, ngày 15/8/2017, Bộ đã công bố danh sách mới, bao gồm 747 doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (tăng 17 doanh nghiệp so với tháng 7/2017 - PV).
So với thời điểm trên, bây giờ đã là cuối tháng 9. Như vậy, số doanh nghiệp chưa có trong danh sách hẳn còn nhiều? Bao giờ Bộ Tài chính tiếp tục công khai danh tính các doanh nghiệp này, thưa ông?
Thực tế cho thấy, ngoài con số 747 doanh nghiệp chây ì lên sàn đã được Bộ Tài chính công bố tính đến ngày 15/8/2017, vẫn còn doanh nghiệp chưa "được" điểm danh. Tuy nhiên, nhiều hay ít thì phải đợi kết quả thống kê tới đây mới có thể công khai được. Hiện Bộ Tài chính vẫn đang tiến hành rà soát.
Vì sao có sự chậm trễ kéo dài như vậy, khi mà tính từ thời điểm danh sách doanh nghiệp chậm lên sàn được công bố đầu tiên cách đây đã hơn 5 tháng, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo chế tài quy định tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán?
Để thực thi việc đăng ký giao dịch, niêm yết, doanh nghiệp cần phải có thời gian để thực hiện một loạt công việc như kiểm toán báo cáo tài chính, tổ chức họp đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến cổ đông thông qua phương án đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán... Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp chậm chễ lên sàn.
Cùng với đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch hoặc niêm yết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát để kiểm tra, đánh giá cụ thể các doanh nghiệp chấp hành quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Nếu phát hiện các trường hợp cố tình chây ì không tuân thủ thì sẽ tiến hành xử phạt, đồng thời công khai thông tin các trường hợp bị xử phạt để đảm bảo tính răn đe.
Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đang nỗ lực thúc đẩy, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, chỉ đạo người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đưa cổ phiếu lên sàn.