Trong ảnh: Khu sản xuất của Sparton tại Việt Nam

Trong ảnh: Khu sản xuất của Sparton tại Việt Nam

Sẽ có tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam

Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam.

Đón “gương mặt” mới

Một thông tin không được quá nhiều người chú ý, nhưng lại rất thú vị. Đó là trong tháng 6 vừa qua, Libya, quốc gia ở Bắc Phi đã lần đầu tiên có dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Con số rất nhỏ, chỉ 0,1 triệu USD, nhưng cũng đủ để Libya trở thành một gương mặt rất mới trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tháng 3/2019, cũng đã có một trường hợp tương tự. Djibouti, quốc gia ở Đông Phi đã lần đầu tiên có dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Với sự xuất hiện của hai gương mặt mới này, tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam đã lên tới con số 132. Đã nhiều năm nay, mới có thêm những nhà đầu tư mới như vậy.

Thêm nữa, khi nhìn vào bảng tổng sắp các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay, bên cạnh những cái tên cũ, như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ…, còn có Seychelles, cũng là một quốc gia ở châu Phi.

6 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư Seychelles đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 18 dự án mới, mở rộng 7 dự án và tham gia 13 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam là 166,96 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ cũng chỉ xếp ngay trên đó, với tổng vốn đăng ký 233,48 triệu USD, có lẽ vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng vào sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư từ nền kinh tế này vào Việt Nam.

Có thể, những khoản đầu tư trên còn nhỏ, song rõ ràng đã góp phần khẳng định rằng, đang có một sự dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng, Việt Nam vừa tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Thông tin gần đây cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lên kế hoạch đầu tư mới và đầu tư mở rộng vào Việt Nam. Ngoài những cái tên cũ như GoPro, Hasbro, GoerTek, Cheng Uei Precision Industry…, thì Compal, Brother, Hana Micron, Apparel Far Eastern và Meiko Electronic cũng được nhắc tới rất nhiều. Các doanh nghiệp này đều đã và đang lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, với các khoản vốn có thể lên tới cả nửa tỷ USD cho một dự án.

Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 2,285 tỷ USD, điều chưa từng xảy ra trước nay. Các hiệp định thương mại tự do đã được ký, cũng như xu hướng dịch chuyển vốn để “né” các vấn đề liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã biến Việt Nam thành tâm điểm đầu tư của thế giới.

“Xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, đang là cơ hội lớn cho chúng ta. Tuy nhiên, phải làm sao để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư từ Mỹ, từ EU”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Và đón làn sóng mới

Vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam, nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng dòng vốn này. Đó là lý do mà Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.

Một thông tin đáng chú ý, đó là cuối tuần trước, Bộ Chính trị đã họp phiên định kỳ và một trong những nội dung được xem xét chính là Báo cáo về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề quan trọng này.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tinh thần lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thủ tướng thông báo, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đồng thời cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang tạo sức hút mới cho đầu tư nước ngoài. Thậm chí, theo khẳng định từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng từ EU, từ các nền kinh tế lớn khác nói chung.

“Trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn để thu hút các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Krirenbrink cũng đã nói như vậy. Tuy nhiên, vị Đại sứ không quên nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là phải ổn định các chính sách để đảm bảo môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp”.

Có chiến lược mới, có tổ công tác đặc biệt, Việt Nam sẽ giải quyết tốt hơn các khúc mắc liên quan đến môi trường đầu tư, cũng như có thêm chính sách mới để đón được làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.n Các nhà đầu tư Mỹ đang đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 233,48 triệu USD.

Tin bài liên quan