Vấn đề như sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù... vẫn là những vấn đề nóng của Luật Đất đai sửa đổi

Vấn đề như sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù... vẫn là những vấn đề nóng của Luật Đất đai sửa đổi

Sẽ có thêm cơ quan tư vấn giá đất

(ĐTCK) Hôm nay (29/11), ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sau nhiều phiên thảo luận.

Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc, yếu kém hiện nay trong công tác quản lý đất đai

 

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) và theo kế hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 17/6/2013, dự Luật nhận được nhiều ý kiến còn khác nhau, do đó, cần phải thảo luận thêm để thông qua trong kỳ họp thứ 6 này.

 

Tại kỳ họp này, các đại biểu đã có một phiên thảo luận tại tổ và 2 phiên thảo luận toàn thể hội trường tập trung vào một số nhóm vấn đề như sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập, việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất..

 

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày đã thể hiện sự tiếp thu khá toàn diện ý kiến của đại biểu Quốc hội (tập trung vào 9 nội dung cơ bản và một số vấn đề khác) như kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; Khung giá đất, việc bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, giá đất….

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng bổ sung quy định về theo dõi biến động giá đất và quy định tỷ lệ biến động giá đất thị trường để điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất. Theo đó, “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.

 

Luật Đất đai cũng được bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan. Theo đó, “UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

 

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật.

 

Đáng chú ý, Điều 62 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đã nhận được nhiều ý kiến đại biểu góp ý.

 

Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

 

Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:

 

1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

 

2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

 

a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

 

b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;

 

c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;

 

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

 

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

 

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

 

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

 

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

 

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.”

 

 

>> Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo “hứng khởi” cho thị trường

>> Nhìn lại Dự thảo Luật Đất đai trước ngày “bấm nút”

>> Sửa Luật đất đai: quan ngại lợi dụng thu hồi đất

>> Thu hồi đất đai, cần gỡ nút thắt về giá

>> Định giá đất bồi thường: Phải độc lập