Eric Ries, doanh nhân người San Francisco, tác giả cuốn sách “The Lean Startup”, một tên tuổi được nhiều người biết tới tại thung lũng Silicon cho biết, ông cùng đội ngũ của mình đang thiết lập Sàn Giao dịch chứng khoán dài hạn (LTSE) và đang chờ đợi sự chấp thuận từ Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch tương lai (Mỹ).
Doanh nghiệp đứng đằng sau LTSE hiện đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các nhà đầu tư lớn như nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreesen, nhà xuất bản công nghệ Tim O’Reilly…
Cựu giám đốc tài chính Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) Amy Butte là cố vấn của dự án, với các nhân viên đều có kinh nghiệm làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ và NYSE.
Sau quá trình chuẩn bị, cuối quý I/2018, Sàn Giao dịch của nhà đầu tư (IEX), mô hình thử nghiệm của LTSE đã sẵn sàng hoạt động dưới sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch tương lai Mỹ.
Sau đó, LTSE lên kế hoạch hoàn thiện các thủ tục để có thể hoạt động chính thức và cung cấp đầy đủ các chức năng của một sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian tới.
Các công ty công nghệ Mỹ từ lâu đã luôn có mong muốn có thể tránh được những rắc rối của việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán.
Chẳng hạn, Google từng thử đấu giá một lượng cổ phiếu nhất định trong lần IPO năm 2004, Facebook tìm cách giảm ảnh hưởng từ các nhà đầu tư lớn khi IPO năm 2012.
Thực tế, các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon thường sử dụng cách phân loại cổ phiếu để giữ vững quyền kiểm soát tại doanh nghiệp một khi niêm yết, dù nhận về không ít chỉ trích, cũng như áp lực từ thị trường.
Trong bối cảnh này, LTSE được xem là một cách tiếp cận mới mà các doanh nghiệp có thể tìm tới, khi được xây dựng và tổ chức theo cách hoàn toàn mới.
“Chúng tôi tuân theo các quy định giao dịch chứng khoán của nhà quản lý, nhưng có thêm sáng tạo dành cho các nhà quản lý và nhà đầu tư có suy nghĩ dài hạn”, Ries cho biết.
Cụ thể, LTSE có một số quy tắc khác biệt so với sàn chứng khoán truyền thống. Thứ nhất, quyền biểu quyết của cổ đông được phân bổ dựa theo thời gian cổ phiếu được cổ đông đó nắm giữ.
Thứ hai, các khoản chi phí dành cho người lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết tại LTSE phải gắn với kết quả hoạt động của công ty trong dài hạn.
Thứ ba, yêu cầu khắt khe hơn đối với hoạt động công bố thông tin. Trong đó cho phép doanh nghiệp biết các cổ đông dài hạn của mình là ai và nhà đầu tư biết mọi khoản đầu tư mà công ty đang thực hiện.
Eric Ries cho rằng, LTSE sẽ giải quyết được tình trạng khó xử của nhiều công ty tư nhân hiện nay khi phải né tránh việc niêm yết. Với LTSE, doanh nghiệp vẫn là công ty đại chúng niêm yết trên sàn, trong khi có thể dành nhiều sức lực để tập trung vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, tránh được các áp lực ngắn hạn. Và với những diễn biến này, mọi người đều có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Một trong những trở ngại hiện tại mà LTSE phải đối mặt là thu hút doanh nghiệp lên sàn, trong bối cảnh yếu tố thanh khoản và sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn là chưa rõ ràng và không được đảm bảo.
Để giải quyết vấn đề này, LTSE cho biết sẽ nhắm tới các doanh nghiệp đang niêm yết có sử dụng cổ phiếu 2 tầng tại các sàn chứng khoán như NYSE, Nasdaq.
“Chúng ta đang nói tới chuyển động mang tính kiến tạo, thay đổi cách mà thị trường vẫn vận hành. Vậy nên, đây rõ ràng là con đường khó khăn. Tuy nhiên, các điều kiện ngày càng chín muồi để bước đi này thành hiện thực.
Tôi nhận thấy khó khăn mà các doanh nghiệp nói chung, các công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon nói riêng đang phải đối mặt và tìm ra giải pháp. Nhiều khả năng LTSE sẽ là câu trả lời cho vấn đề nhức nhối này”, Ries chia sẻ.