Nhiều báo cáo, thậm chí được ông Sơn cho rằng, sẽ là mô hình để UBCK tham khảo khi xây dựng dự thảo mới về quản trị công ty.
Ông Nguyễn Sơn là người trực tiếp xây dựng quy chuẩn công bố thông tin cho DN niêm yết từ năm 1999, đến nay đã qua 5 lần sửa đổi để nâng dần chất lượng minh bạch.
Ông Sơn cũng đồng thời là người phụ trách xây dựng Thông tư 121/2012/TT-BTC, lần đầu tiên đưa ra quy chuẩn về quản trị công ty cho công ty đại chúng.
Năm 2015 là năm đầu tiên ông Nguyễn Sơn dành thời gian trực tiếp tham gia chấm chung khảo BCTN cùng các thành viên Hội đồng. Cùng với chuyên gia quản trị công ty của IFC, bà Nguyễn Nguyệt Anh, khối chấm thông tin quản trị công ty của ông Sơn và bà Nguyệt Anh chiếm 36/100 điểm tối đa cho các báo cáo.
Những báo cáo được điểm cao nhất trong phần chấm này là HSC, BVH, SSI, FPT, VNM, Inmexpharm.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Sơn, nhiều DN đã làm rất tốt phần thông tin quản trị, cá biệt HSC được điểm tối đa cho phần chấm này. Tuy nhiên, không ít DN được điểm rất thấp, do thiếu hoặc trình bày quá sơ sài các yêu cầu công bố thông tin quản trị công ty.
Điểm thấp xảy ra với nhiều DN thuộc khối ngân hàng, có những ngân hàng làm quá kém, nhóm chấm cố gắng “nương tay” cũng chỉ có thể cho 7/36 điểm.
“Thực tế này là điểm chúng tôi phải cân nhắc khi xây dựng quy chuẩn mới về công bố thông tin, về quản trị doanh nghiệp. Các ngân hàng đáng lẽ phải làm tốt hơn công tác này, vì ngân hàng vừa phải tuân thủ quy chuẩn của DN trên sàn, vừa phải tuân thủ quy định của NHNN”, ông Sơn nói.
Điểm tích cực khi đánh giá mặt bằng chung của BCTN là các DN đã quan tâm nhiều hơn đến thông tin về chiến lược hoạt động, về phát triển bền vững. Trên bình diện quản lý ngành, UBCK sẽ tạo nền tảng pháp lý để DN có ý thức cao hơn với việc lập báo cáo phát triển bền vững.
Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 52 mà UBCK đang lấy ý kiến, DN niêm yết sẽ phải thực hiện báo cáo quản trị công ty, báo cáo thường niên với mức độ thông tin đầy đủ, sâu sắc hơn, đồng thời lần đầu tiên dự thảo đưa ra nghĩa vụ DN đại chúng phải lập báo cáo phát triển bền vững.
Theo đó, các DN phải đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường (tiêu thụ nước, năng lượng, phát thải...); đánh giá liên quan đến vấn đề người lao động (số lượng, mức lương trung bình); đánh giá liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng địa phương…
Chung nỗ lực với nhà quản lý, từ năm 2013, Cuộc bình chọn BCTN đã chấm điểm Báo cáo phát triển bền vững, với mong muốn góp sức thúc đẩy ý thức của các DN nói chung, đến loại hình báo cáo này.