Sẽ có những lạc quan tếu nếu không phân tích sâu về EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định của ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM về khả năng tận dụng cơ hội của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: HP).

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: HP).

Tại tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông tổ chức sáng nay tại TP.HCM, ông Dương Anh Đức đánh giá, liên minh châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với gần 2.200 tỷ USD (năm 2019).  

Tuy nhiên, trước khi EVFTA được thực thi, khả năng Việt Nam có thể tham gia vào thị trường này rất nhỏ, chỉ khoảng 2% với các điều kiện tiêu chuẩn chưa thể vượt qua. 

EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 08/2020 được cho là cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, mỗi vấn đề đều có hai mặt lợi và hại. 

Khi đứng trước cơ hội lớn mà không hiểu rõ, không thực hiện các phân tích sâu để hiểu lợi ích quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, chúng ta sẽ có những lạc quan tếu và bỏ đi những lợi ích đáng lẽ có thể tận dụng được

Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận chuyên gia nghiên cứu hiểu rõ về một Hiệp định đồ sộ, đa dạng như EVFTA.

Trong khi đó, theo lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ,được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương. 

Mẫu mực bởi, đây là thực thể kinh tế gồm 27 quốc gia có trình độ về kinh tế và quản trị quốc gia ở mức tiên tiến, hàng đầu thế giới ký kết Hiệp định thương mại với thực thể là một nền kinh tế đang phát triển và ở trình độ thấp hơn nhiều. 

Các nội dung thỏa thuận dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích chung của cả hai bên cân bằng.

“9 năm của các thành viên trong đoàn đàm phán của Chính phủ là cuộc "trường kỳ kháng chiến", khi nhận sự chỉ đạo trực tiếp và rất kịp thời của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để mang về kết quả tích cực như hôm nay. Hiệp định có khối lượng khổng lồ với 17 chương, nội dung trải rộng”, Bộ trưởng Bộ Công thương chia sẻ. 

Đại diện này còn phân tích tính chất toàn diện của Hiệp định khi 17 chương không chỉ đề cập đến các nội dung trong Hiệp định thương mại truyền thống mà còn lĩnh vực mới và phi truyền thống, bao gồm mảng nhạy cảm hay còn mới như chương về phát triển bền vững. 

Do đó, Việt Nam phải thực thi không chỉ về cải cách thể chế nói chung mà còn giải quyết các vấn đề cụ thể từ tập quán trong văn hóa, kinh tế xã hội như đánh bắt cá không khai báo hay xuất khẩu gỗ từ nguyên liệu không hợp pháp,…

Sẽ có những lạc quan tếu nếu không phân tích sâu về EVFTA ảnh 1

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông được tổ chức sáng nay tại TP.HCM (Ảnh: HP)

Hiệp định này bao gồm cả những nội dung hướng đến tất cả các đối tượng, chủ thể tham gia để đảm bảo không có đối tượng nào bị tụt lại phía sau do tác động của hội nhập.

Phía liên minh châu Âu cũng đưa ra các yêu cầu liên quan đến năng lực thể chế của Việt Nam trong tổ chức triển khai Hiệp định.

Cùng với đó, yêu cầu và quy định được đặt ra trong Hiệp định không đơn thuần chỉ tính đến tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại giữ các chủ thể mà còn hướng đến mối quan hệ hướng tới sự tiến bộ và sự phát triển bền vững của các chủ thể trong khuôn khổ Hiệp định. 

Với nội dung toàn diện và tác động lớn trong các cam kết của Hiệp định, Việt Nam phải thực hiện nhiều cải cách cả về tư pháp, pháp luật nói chung cũng như thể chế. 

Đặc biệt những cam kết của Việt Nam trong sửa đổi Luật pháp trong sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như thương mại điện tử chính là cú hích tạo môi trường mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trở thành chủ đề thật sự của quá trình hội nhập. 

Từ đó, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, môi trường không chỉ trong đầu tư kinh doanh mà còn quản trị xã hội ngày càng văn minh và hiện đại.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ đánh giá, việc tiến hành khảo sát và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cần đầu tư về kinh phí trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam thuộc quy mô nhỏ và vừa.

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại nhìn chung chưa bài bản và đồng bộ từ khâu sản xuất đến tìm kiếm khách hàng, tiếp thị sản phẩm và thâm nhập thị trường.

Hàng hóa Việt Nam bước đầu được có mặt trực tiếp tại các hệ thống phân phối ở các nước thuộc liên minh châu Âu.

Dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống tại thị trường này luôn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,…với ưu thế về giá.

Tin bài liên quan