Chính phủ và Bộ GTVT đã rất cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đa chiều trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86.
Sáng nay, trao đổi với baodautu.vn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết là Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86) để kịp báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua trước ngày 22/12/2019.
“Chúng tôi hy vọng Nghị định quan trọng này sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2020 để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Trước đó, vào ngày 16/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Thường trực Chính phủ rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong Thông báo số 429/TB – VPCP, Văn phòng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp này, Thủ tướng đã đánh giá cao việc Bộ GTVT đã nỗ lực, cùng với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định đã 2 lần lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, đã lấy ý kiến của 6 Bộ trưởng ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp; Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện. Đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đánh giá dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn.
Để bảo đảm tính khả thi của Nghị định, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý chung để các đơn vị kinh doanh vận tải tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình theo quy định của pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/12/2019.
Cụ thể, Bộ GTVT sẽ phải rà soát, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý; rà soát kỹ các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công an, GTVT, Tài chính…) để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải; rà soát kỹ toàn bộ dự thảo Nghị định, loại bỏ các nội dung không phù hợp với Luật giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ GTVT hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị định, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan có liên quan tổ chức họp báo để thông tin, tuyên truyền đầy đủ, minh bạch các nội dung của Nghị định này, sau khi Nghị định được ban hành.
Trước đó, vào ngày 4/11/201, Bộ GTVT đã có công văn số 10433/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nội dung rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, thực hiện Kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (TBKL số 384/TB-VPCP ngày 29/10/2019) và trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia trên các lĩnh vực; Bộ GTVT đã thống nhất và tiếp thu sửa đổi một số nội dung chính, cụ thể tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cụ thể, đối với nội dung quy định về hộp đèn đối với xe taxi, Bộ GTVT sửa đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định như sau: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ, và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kính thước tối thiểu là 12x30 cm hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.
Phần hướng dẫn quy cách về vật liệu và vị trí dán sẽ được hướng dẫn cụ thể sau khi Nghị định mới được ban hành.
Đối với nội dung lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đồng thời đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước; Bộ GTVT đã tiếp thu, thống nhất cùng Bộ Công an và sửa đổi nội dung quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 và điểm b khoản 5 Điều 34 của dự thảo Nghị định.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 13, dự thảo Nghị định quy định “trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.
Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe đảm bảo như sau: tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.”
Tại khoản 2 Điều 14, dự thảo Nghị định cũng quy định “trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.
Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe phải đảm bảo thối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.”
Đồng thời Bộ GTVT cũng điều chỉnh lùi lộ trình thực hiện từ “trước ngày 31/12/2020” thành “trước ngày 1/7/2021” cho phù hợp với thời gian tương ứng so với mốc thời gian trình dự thảo nhằm đảm bảo có đủ quỹ thời gian để doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý chuẩn bị cho việc đầu tư lắp đặt, hướng dẫn áp dụng quy định mới.