Cách đây nhiều năm, một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công ty cổ phần và lên niêm yết như Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KMR), Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (TKU). Hiện tại, có công ty xuất thân từ doanh nghiệp FDI muốn niêm yết, nhưng Sở giao dịch chứng khoán cho biết, Sở chưa thể nhận hồ sơ vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Một công ty có vốn Hàn Quốc chuyên cung cấp sản phẩm phụ trợ cho Công ty Samsung Việt Nam tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi hỏi Sở giao dịch chứng khoán thì được biết, đến nay chưa có hướng dẫn niêm yết cho công ty cổ phần có nguồn gốc từ doanh nghiệp FDI, nên sở chưa thể nhận hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay.
Vì sao trên cơ sở tiền lệ là một số công ty xuất thân từ doanh nghiệp FDI đã đưa cổ phiếu lên sàn từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn từ nhà quản lý cho khối doanh nghiệp này lên sàn?
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ cơ quan quản lý nấn ná trong đưa ra hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp FDI lên niêm yết vì e ngại sau khi lên sàn, nhà đầu tư ngoại sẽ thoái vốn. Trước đây, để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đã phải dành đánh đổi bằng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai…
Sau khi hưởng hết các ưu đãi, doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ, không có đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước (nhiều doanh nghiệp FDI thường xuyên khai báo thua lỗ) thì ở một khía cạnh nào đó, những ưu đãi để thu hút vốn FDI trở nên… công cốc. Do đó, cho phép các doanh nghiệp này lên sàn mà họ có mục đích thoái vốn thì không khéo lại thêm một lần khiến cho nhà nước, nền kinh tế thêm thiệt…
Lời giải cho bài toán doanh nghiệp FDI lên sàn phải tìm ở đâu? Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hiện quy định pháp lý không hạn chế công ty cổ phần xuất thân từ doanh nghiệp FDI lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vướng mắc hiện nay nằm ở khâu hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện.
Gõ cửa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thì được biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK đang làm việc với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an… để có hướng dẫn cụ thể cho khối doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Trả lời câu hỏi có phải do e ngại cho phép doanh nghiệp xuất thân từ công ty FDI lên niêm yết thì nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn, nên nhà quản lý chậm đưa ra văn bản hướng dẫn, đại diện UBCK cho hay, có một thực tế là dù không cho lên niêm yết, họ vẫn thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu ngoài sàn.
Điều này càng khiến cho hoạt động quản lý thêm khó khăn, nguy cơ phát sinh những hệ lụy khó lường, trong khi Việt Nam đang làm nhiều cách để dần xóa bỏ “chợ đen” mua bán cổ phiếu. Mặt khác, hướng dẫn cụ thể cho công ty xuất thân từ doanh nghiệp FDI lên sàn còn góp phần minh bạch hóa hoạt động của họ, qua đó giúp nhà quản lý, nhà đầu tư giám sát hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, nên đã là công ty thành lập tại Việt Nam và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì không nên có sự phân biệt, đối xử không chỉ về vấn đưa cổ phiếu lên sàn. Do vậy, trên cơ sở kết quả làm việc với các bộ, ngành liên quan, UBCK sẽ đề xuất hướng tháo gỡ cho công ty cổ phần xuất thân từ doanh nghiệp FDI lên sàn trong thời gian tới.