Theo hướng dẫn trên, thương nhân có các hợp đồng nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chưa qua sử dụng đã ký trước ngày ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT (ngày 12/5/2011) và có chứng từ thanh toán trước ngày này, được làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định, không phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-BCT.
Dĩ nhiên, để được lọt cửa hải quan, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện liên quan. Đó là có hợp đồng và chứng từ thanh toán trước ngày 12/5/2011 được ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thanh toán, chuyển tiền xác nhận. Doanh nghiệp cũng phải cung cấp văn bản xác nhận từ chối hoàn trả tiền đã thanh toán của khách hàng đối với số hàng người mua đã chuyển nhưng chưa nhận hàng. Ngoài ra, phải có xác nhận của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu các hợp đồng đã thanh toán trước ngày 12/5/2011.
Tổng trị giá của các lô hàng nhập khẩu mới này cũng không được vượt quá số tiền còn lại mà doanh nghiệp đã thanh toán trước 12/5/2011. Các doanh nghiệp được gia hạn hợp đồng và ký phụ lục để điều chỉnh các thông số như năm sản xuất, đời xe, số lượng, đơn giá tương ứng với các loại xe được nêu trong các hợp đồng thanh toán trước ngày 12/5/2011, nhưng không được chuyển sang chủng loại, dòng xe khác trừ trường hợp chủng loại, dòng xe nêu trong hợp đồng không còn được hãng sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đưa hàng về đến cảng Việt Nam chậm nhất là ngày 28/5/2015.
Như vậy, sẽ có gần 2.000 xe, tương đương số tiền 17,754 triệu USD, sẽ về Việt Nam trong vòng một năm tới. Trong số này, có không ít chủng loại xe sang, có giá trị cao có thể đàng hoàng nhập khẩu mà không cần ủy quyền chính hãng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lâm (có trụ sở tại Hải Phòng) cho hay, Công ty sẽ tập trung nhập khẩu các thương hiệu xe sang như Lexus, mà không lo lắng sự cạnh tranh từ các xe chính hãng. Bởi ở thời điểm hiện tại, thương hiệu xe sang của Toyota mới chỉ có một showroom chính hãng đặt tại TP.HCM. Dĩ nhiên, các nhãn hiệu khác như BMW, Mercedes Benz hay Audi cũng có mặt trong các hợp đồng này.
Việc gần 2.000 xe sẽ đổ về trong một năm tới đây chắc chắn sẽ khiến thị trường xe sang trở nên nóng bỏng với các cuộc đua mới. Theo ước tính của các hãng xe, tổng số xe sang trọng được bán ở thị trường Việt Nam chiếm chưa đến 5.000 chiếc mỗi năm. Dẫu vậy, không phải các doanh nghiệp thương mại được nhấc rào này có thể yên tâm bán hàng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty Kylin GX 688 cho hay, thời điểm ký hợp đồng thì nhiều mẫu xe mà doanh nghiệp định nhập về là độc, khan hàng, nên có thể bán giá cao. Nhưng nay, không ít các mẫu xe này trong nước đã có hàng của các liên doanh ô tô cung cấp. Thậm chí, một số mẫu xe giá nhập về cao hơn giá xe lắp ráp trong nước nên cũng lo lắng nhiều về việc bán hàng. Nhất là khi số thuế các loại phải bỏ ra ngay để nhập khẩu xe là không hề nhỏ. “Camry 2.0 nếu nhập khẩu về Việt Nam bây giờ có giá chả thua kém gì Camry 2.4 lắp ráp trong nước”, ông Hùng nhận xét.
Mặc dù cho hay, các doanh nghiệp chính hãng không thể phản đối quyết định nhấc rào của Bộ Công thương, bởi đây đều là các hợp đồng cũ và doanh nghiệp khẳng định là đã thanh toán trước khi Thông tư 20 ban hành, nhưng ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Hoạch định chiến lược (Công ty Toyota Việt Nam) cũng cho rằng, tình hình đã khác trước rất nhiều.
“Đơn cử, mẫu xe Lexus RX 350 trước đây doanh nghiệp thương mại khai giá nhập 31.000 USD, nhưng sau khi Toyota bị áp giá nhập ở mức hơn 40.000 USD, thì chắc chắn không có doanh nghiệp thương mại nào được áp giá tính thuế thấp hơn mức mà Toyota Việt Nam nhập khẩu. Như vậy, giá bán sẽ rất cao, mà lại không được nhiều quyền lợi như xe chính hãng”, ông Tuấn nói và nhận xét thêm, rất có thể khi đã xin được nhấc rào, các doanh nghiệp thương mại lại khóc, xin chuyển sang model khác để được nhập khẩu.