Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng (Ảnh minh hoạ)

Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng (Ảnh minh hoạ)

Sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản quan chức

0:00 / 0:00
0:00
Đó là một trong những nội dung nhằm đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản phúc đáp các kiến nghị của cử tri được gửi tới trước kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, đề cập nhiều thông tin về công tác phòng chống tham nhũng.

Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng

Làm rõ nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng chậm, tỷ lệ thấp so với số tài sản bị thất thoát; công bố cho người dân biết kết quả thu hồi tài sản tham nhũng; có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới...là nội dung được cử tri nhiều địa phương kiến nghị.

Thanh tra Chính phủ trả lời, trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng. Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Cơ quan trả lời cử tri cũng thừa nhận, mặc dù kết quả thu hồi tài sản đạt năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do: số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu... hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thế chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường họp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn,...

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ các quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó có Nghị định 130 năm 2020 về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, có đề án về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; và sửa đổi, bổ sung các luật và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước...

Ngoài ra sẽ tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.

Đồng thời, sẽ hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Vụ ông Lê Thanh Hải xử lý chưa nghiêm

Trước kỳ họp thứ 10, gửi kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ, cử tri tỉnh Long An khẳng định rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện thời gian qua. Việc phòng, chống tham nhũng góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo cử tri thì vẫn còn một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt; trong đó có vụ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, sai phạm liên quan tới dự án Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Cử tri đề nghị Trung ương xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hồi âm ý kiến cử tri, Thanh tra Chính phủ khẳng định thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhiều vụ án tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết, số vụ án khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, đã phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cũng thông tin, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Tin bài liên quan