Tại cuộc tọa đàm về “Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia”, nhiều khó khăn, nút thắt liên quan đến khởi nghiệp đã được đại diện các quỹ đầu tư và bản thân doanh nghiệp nêu ra.
Ông Nguyễn Hồng Trường, đại diện IDG Ventures cho biết, nhiều startup hiện nay được quỹ đầu tư định giá cao đã không được cơ quan thuế chấp nhận, vì cho rằng “tài sản vô hình không thể được định giá cao như vậy. Bên cạnh đó, đầu tư vào các startup là đầu tư mạo hiểm, thời gian thu hồi vốn có thể sau 5 - 10 năm, bởi vậy các quỹ đầu tư mong muốn Việt Nam có chính sách miễn thuế thặng dư vốn. Ngay thủ tục hành chính, theo vị đại diện này, cũng cần có những cải tiến, nếu muốn thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Giấy phép game là một ví dụ điển hình. Mất 3 - 4 tháng mới có được giấy phép thì không làm được game nữa, vì vòng đời của game rất ngắn”, ông Trường nói.
Cũng theo vị lãnh đạo quỹ đầu tư này, Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời, bởi dòng tiền đang quay trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt làm các thương vụ IPO ở nước ngòai. Thật ra, startup của Việt Nam đi trước các nước Đông Nam Á, nhưng lại bị chậm một nhịp. Ở các nước như Malaysia chẳng hạn, Chính phủ luôn đồng hành cùng các quỹ để tạo ra cơ chế thúc đẩy họ tìm kiếm, đổ vốn cho các doanh nghiệp mới.
Quan điểm trên cũng được Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ khi ông nêu ví dụ của Singapore - nước lọt vào Top 10 thế giới về cạnh tranh khởi nghiệp. "Ở đó, quỹ đầu tư nhiều vô kể, ở Việt Nam lại quá giới hạn, chỉ bằng một phần mười. Chúng ta cần cơ chế để tăng gấp 10 lần số lượng các quỹ đầu tư hiện tại", ông nói.
Tài chính đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu được Chính phủ quan tâm hỗ trợ, diện mạo khởi nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. Vấn đề này được bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình: “Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Israel cũng bắt đầu chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng đến nay không cần nữa vì đã có đầu tư từ khối tư nhân. Hiện nay, ở Israel, có 19 vườn ươm khởi nghiệp và cách điều hành là Chính phủ không trực tiếp làm, mà cho tư nhân đấu thầu. Tiền không về tay Chính phủ mà đầu tư lại vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các vườn ươm này lỗ thì Nhà nước chịu”.
Tại cuộc tọa đàm, ông Đinh Hùng, CEO của doanh nghiệp khởi nghiệp JoomArt cho biết, một nhóm các nhà đầu tư tư nhân, trong đó hạt nhân là các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có kế hoạch hợp tác lập ra quỹ đầu tư thiên thần. Tuy nhiên, hỏi khắp các đầu mối cơ quan quản lý, họ đều nhận được câu trả lời là “hiện không có cơ chế để quỹ hoạt động”. Trước đề nghị sớm có khung pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nếu nút thắt nằm trong tầm giải quyết của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ sẽ có giải pháp để tháo gỡ.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam không phải không sẵn sàng đầu tư. Trên thực tế, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho khoa học và giáo dục. Chính phủ cũng đã đề cập đến việc đầu tư quỹ để song hành cùng các quỹ tư nhân. Vấn đề thuế cũng đã đặt ra. Nhưng điều Chính phủ cần hiện nay là các kiến nghị thật cụ thể từ cộng đồng start-up. Chính phủ sẵn sàng tổ chức các cuộc họp chuyên đề và ra các nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu các đề xuất có căn cứ, có lập luận để chứng minh, tôi tin các thành viên Chính phủ sẽ được thuyết phục và ra quyết định”.
“Nếu vướng ở tầm Chính phủ, mà dự án của các bạn thuyết phục thật sự thì việc tháo gỡ sẽ rất nhanh. Không phải nhanh bằng ngày, bằng tuần, nhưng chắc không đo bằng năm”, Phó Thủ tướng khẳng định.