Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Sẽ có biện pháp mạnh nếu chây ỳ cổ phần hóa

(ĐTCK) “Để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN đang diễn ra chậm, Bộ Tài chính vừa đề xuất các giải pháp mới lên Chính phủ…”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trao đổi với ĐTCK.

>> Nhà đầu tư nào mong cổ phiếu Vietnam Airlines?

>> Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm

Cổ phần hóa (CPH) DNNN đang diễn ra chậm, một phần do bất cập của cơ chế xác định giá trị đất đai, nhất là tính toán lợi thế vị trí địa lý trong xác định giá trị DN. Bộ Tài chính có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Theo phản ánh của các bộ, địa phương, DN, cơ chế CPH DNNN hiện chủ yếu bộc lộ vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị đất đai khi xác định giá trị DN. Để tháo gỡ tình trạng này, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi hoàn thiện để ban hành, có đưa ra một số giải pháp.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH theo hướng, về nguyên tắc tất cả diện tích đất DN đang quản lý và sử dụng phải chuyển sang ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền, thay vì giao đất như hiện tại. Cụ thể, diện tích đất DN đã được giao, nay chuyển sang thuê, thì giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại tại thời điểm xác định giá trị DN được xác định là số tiền DN đã trả trước tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định theo mặt bằng giá thuê đất tại thời điểm DN hoàn tất thủ tục thuê đất với cơ quan quản lý. Phần diện tích đất DN thuê sẽ trả tiền thuê hàng năm theo quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Thực tế cho thấy, việc xác định giá trị DN khi chọn hình thức giao đất thường mất nhiều thời gian và khó xác định sát với giá trị trường, nhất là khó xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý. Do vậy, việc chuyển từ cơ chế giao đất sang thuê đất, sẽ tháo gỡ được một trong những vướng mắc lớn nhất hiện tại là không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị đất đai, bởi giá thuê đất đã sát với giá thị trường.

 

Việc DN chây ỳ xử lý công nợ cũng đang là lý do chính làm chậm tiến độ CPH. Bộ Tài chính có cách nào xử lý vấn đề này, thưa ông?

Để xác định giá trị DN chuẩn xác, theo quy định, DN CPH phải hoàn tất đối chiếu toàn bộ công nợ (phải thu, phải trả) đến thời điểm xác định giá trị DN, đồng thời DN phải có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DNNN có những khoản công nợ treo đến cả chục năm, nhưng chưa được DN xử lý. Quá trình CPH có thể không chậm như hiện tại, nếu DN tuân thủ quy định thường xuyên rà soát và xử lý công nợ.

Để xử lý bất cập trên, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chỉ đạo DN CPH phải đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN. Một số trường hợp do thời điểm CPH không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, công nợ nhiều… không kịp đối chiếu hết, thì DN phải báo cáo bộ, địa phương xem xét xử lý. Mục tiêu là buộc DN phải xử lý xong toàn bộ công nợ trước khi xác định giá trị DN, để đảm bảo việc tính toán giá trị DN được chuẩn xác.

 

Nếu phát hiện do nguyên nhân chủ quan của người đứng đầu DNNN khiến quá trình CPH diễn ra chậm, thì có cách nào xử lý không, thưa ông?

Trong thực tế quá trình CPH, đã có nhiều bộ, địa phương áp dụng hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý người đứng đầu DN khi không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên trong tổ chức triển khai CPH DN. Với những trường hợp người đứng đầu DN viện dẫn lý do quá bận điều hành sản xuất - kinh doanh, không thúc đẩy thực hiện CPH theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì các bộ, địa phương trực tiếp chỉ đạo, hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu DN phải dừng các công việc điều hành khác, dồn sức cho thúc đẩy CPH. Khi việc này hoàn tất, người đứng đầu DN mới được xem xét trở lại vị trí điều hành. Nếu người đứng đầu DN không hoàn thành nhiệm vụ CPH, thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí người khác thay thế…

Từ kinh nghiệm xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN cho thấy, đã khắc phục được tình trạng chậm trễ trong tổ chức triển khai phương án CPH. Với hiện trạng CPH đang diễn ra chậm như hiện tại, các bộ, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, để kịp thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu DN. Trên cơ sở đó, mạnh tay xử lý hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN, nếu để xảy ra chậm trễ trong thực hiện CPH.