Sẽ có một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ được Chính phủ thực hiện, với tổng ngân khoản có thể lên tới trên 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) hỗ trợ cho những lao động bị mất việc, thu nhập bị giảm sâu…
Sẽ có một gói hỗ trợ tài khóa khác, trị giá trên 80.000 tỷ đồng (có thể nâng lên 150.000 tỷ đồng nếu mở rộng đối tượng thụ hưởng, thậm chí cao hơn) dự kiến được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau khi chịu cú sốc lớn bởi dịch Covid-19…
Thậm chí, ngay cả ngành điện, ngành mà bao lâu nay nhận cái nhìn thiếu thiện cảm của dư luận xã hội, cũng đã có động thái chưa từng có.
Đó là đề xuất giảm giá điện trong vòng 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng giá trị của khoản hỗ trợ này có thể lên tới 11.000 tỷ đồng…
Ngay khi những thông tin trên được công bố, lòng dân hồ hởi. Nhiều người hỏi, những ai sẽ được nhận được sự hỗ trợ đó. Còn doanh nghiệp thì trông đợi những chính sách hỗ trợ trên khi nào được triển khai với điều kiện nào… Gặp quá nhiều khó khăn vì đại dịch Covid -19 nên hiển nhiên, những gói hỗ trợ của Chính phủ chính là điều mà doanh nghiệp cũng như người dân trông đợi từ lâu.
Có thể những gói hỗ trợ trên là chưa đủ, thậm chí “chưa là gì” nếu nhìn sang các nước như Mỹ, châu Âu hay các nước xung quanh. Mỹ sẵn sàng chi 2.000 tỷ USD cứu trợ kinh tế. Đức cam kết gói 614 tỷ USD giải cứu doanh nghiệp. Malaysia chi 58 tỷ USD. Con số này tại Singapore là 33,6 tỷ USD…
Nhưng với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện tại, trong bối cảnh thu ngân sách sẽ vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, thì những gói hỗ trợ đó đã cho thấy nỗ lực và trách nhiệm rất lớn Chính phủ.
Chính phủ trách nhiệm ngay từ việc quyết liệt thực hiện một loạt biện pháp, bao gồm cả giãn cách xã hội để ngăn chặn đại dịch. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Chính phủ Việt Nam. Người dân cũng bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Chính phủ.
Cũng rất trách nhiệm, bởi ngay sau khi nhận thấy những tác động khó lường của đại dịch tới kinh tế - xã hội Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm duy trì sản xuất - kinh doanh. Ở đó, ngoài gói chính sách tiền tệ 250.000 tỷ đồng, còn có gói chính sách tài khóa 30.000 tỷ đồng, hiện dự kiến nâng lên trên 150.000 tỷ đồng.
Nhưng cuộc chiến chống lại đại dịch, cũng như cuộc chiến chống suy giảm kinh tế không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. Vì thế, hơn lúc nào hết, cả xã hội phải chung tay chia sẻ.
Thực tế, cả nước cũng đã nhìn thấy sự chia sẻ trách nhiệm đó. Chia sẻ bằng nỗ lực sản xuất - kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chia sẻ bằng cách thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch. Chia sẻ bằng cách chung tay hỗ trợ nguồn lực, dù chỉ là những suất bánh mì, những ly sữa, những gói mì… miễn phí để công tác phòng chống dịch được tốt hơn.
Chia sẻ trách nhiệm trong cả việc nhận hỗ trợ từ Chính phủ, giống như dòng chữ “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” được đặt trên các thùng đồ mà nhiều gia đình hảo tâm đặt bên đường.
Thủ tướng Chính phủ đã nói, các gói hỗ trợ phải đến được đúng đối tượng, phải công khai, minh bạch, không được lợi dụng, trục lợi chính sách. Trong câu chuyện này, ngoài việc phải kiểm soát, quản lý chặt, thì cần có cả sự tự giác, sự sẻ chia trách nhiệm của chính những người nhận hỗ trợ.
Khi tất cả cùng chung niềm tin, chung trách nhiệm, đồng lòng chống dịch, quyết tâm vực dậy nền kinh tế, thì dịch bệnh sẽ sớm qua đi, nền kinh tế cũng sẽ sớm phục hồi. Và Việt Nam sẽ luôn vững vàng trong gian khó.