Sẽ cắt giảm, bãi bỏ nhiều quy định
Theo Văn phòng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tài chính về thực hiện nhiệm vụ được giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, kết quả kiểm tra cho thấy, Bộ Tài chính đã hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, còn một số mặt công tác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần chấn chỉnh...
Liên quan đến kết quả rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay, Bộ Tài chính có 370 điều kiện kinh doanh được quy định trong 8 văn bản luật và 15 nghị định. Trong tổng số 370 điều kiện kinh doanh có nhiều điều kiện quy định chung chung, chồng chéo, không cần thiết, không lượng hóa được, dễ tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực như “có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán”, “hiện đại, đồng bộ, có thể dễ dàng nâng cấp”, “có đạo đức tốt”… Các điều kiện này cần đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra trên, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cụ thể… để đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện không cần thiết; khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh tại các luật; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Từ thực trạng điều kiện kinh doanh như trên, sau khi rà soát và tổng hợp, Bộ Tài chính vừa công khai dự thảo Đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, để lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Trong đó Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm khá nhiều điều kiện kinh doanh “thừa” áp dụng với khối công ty chứng khoán.
Liên quan đến điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, Nghị định 86/2016/NĐ-CP về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán đặt ra điều kiện: có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật… phục vụ cho hoạt động phân tích đầu tư, phân tích và quản lý rủi ro, lưu trữ, bảo quản chứng từ, tài liệu và các thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh cho trụ sở làm việc của công ty theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất bỏ điều kiện về trang thiết bị đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
Về nhân sự, quy định đặt ra điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt tù, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm điều kiện về có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Liên quan đến điều kiện nhân sự phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu 3 năm, Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm yêu cầu về kinh nghiệm xuống còn 2 năm.
Với điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn, quy định hiện hành đặt ra yêu cầu tại thời điểm đăng ký thành lập, tổ chức tham gia góp vốn không có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (nếu có), Bộ Tài chính đề xuất bỏ điều kiện này vì không cần thiết.
“Thoáng” với nhà đầu tư ngoại
Một điểm đáng chú ý trong phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh áp dụng với khối công ty chứng khoán là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập chi nhánh công ty chứng khoán hoạt động tại Việt Nam. Động thái này được coi là bước đi hợp lý trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường chứng khoán quốc tế, để không chỉ thu hút về vốn, mà cả công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối ngoại.
Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập và hoạt động chi nhánh của công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, quy định hiện hành yêu cầu công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được thành lập một chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện: đang hoạt động hợp pháp, không đang trong tình trạng hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản; cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành chứng khoán ở nước nguyên xứ đã ký các hoạt động hợp tác song phương hoặc đa phương với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Việt Nam về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Cùng với đề xuất bỏ điều kiện này, Bộ Tài chính đề xuất bỏ điều kiện về hoạt động môi giới phải có vốn 25 tỷ đồng, tự doanh chứng khoán phải có vốn 100 tỷ đồng, vì muốn thực hiện hoạt động này tại Việt Nam, nhà đầu tư ngoại phải thông qua thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm yêu cầu về kinh nghiệm còn 2 năm với các nhân sự lãnh đạo CTCK
Để rộng cửa cho nhà đầu tư ngoại thuận lợi thành lập chi nhánh công ty chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số điều kiện khác như: thời hạn hoạt động của công ty chứng khoán nước ngoài trên giấy phép (nếu có) phải còn ít nhất là 5 năm; có quy trình quản lý rủi ro, quy trình tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phù hợp với pháp luật Việt Nam…, với lý do muốn thực hiện hoạt động tại Việt Nam, nhà đầu tư ngoại phải thông qua thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Cần những quy định đột phá
Góp ý cho dự thảo Đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể. Có trường hợp được cắt giảm dựa trên những lý do hình thức, về bản chất vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh.
Một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Chẳng hạn, đối với các điều kiện về nhân lực, phương án mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm, mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện không. Nhiều điều kiện kinh doanh được đánh giá để đưa ra đề xuất sửa đổi, cắt giảm… trong phương án chưa thực sự dựa vào việc xem xét, phân tích hiện trạng điều kiện kinh doanh với tính chất cần phải có của một điều kiện kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư 2014 (các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng).
Phương án cắt giảm mà Bộ Tài chính đề xuất có nội dung còn chưa rõ ràng. Cụ thể, liên quan đến điều kiện thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, quy định hiện hành yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về vốn: tự doanh chứng khoán 100 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán 165 tỷ đồng. Tuy Bộ Tài chính đề xuất giảm điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, nhưng không nêu cụ thể giảm như thế nào.
Hay như với quy định công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng sau khi UBCK chấp thuận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện: được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và được hội đồng quản trị hoặc chủ sở hữu công ty thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày..., Bộ Tài chính đề xuất đơn giản điều kiện được cấp phép các nghiệp vụ môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán (không cần phải được cấp phép cả 4 nghiệp vụ), nhưng đơn giản như thế nào hiện chưa rõ.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán niêm yết, trong bối cảnh Chính phủ liên tục thúc đẩy cắt giảm điều kiện kinh doanh, điều quan trọng trong lần rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh với công ty chứng khoán lần này là nhà quản lý cần có tư duy hỗ trợ, kiến tạo cho công ty chứng khoán phát triển. Trong đó, đưa ra những quy định đột phá để mở ra dư địa phát triển mới cho khối công ty chứng khoán.
Liên quan đến cách thức triển khai đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các lĩnh vực nói chung, ngành tài chính nói riêng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, yêu cầu: việc đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không được “lẩn” sang các thông tư, không được chuyển thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, mà phải cắt giảm thông qua quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh tại cấp nghị định.
Theo dữ liệu trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện trên TTCK Việt Nam có 85 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường (ngoài ra, một số công ty đang thực hiện tái cấu trúc), với tổng vốn điều lệ 41.610,2 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện có gần 2,036 triệu tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.