Ông đánh giá ra sao về tình trạng công bố thông tin (CBTT) của các DN niêm yết và các công ty đại chúng trong thời gian qua?
Tôi cho rằng, việc tuân thủ nghĩa vụ CBTT của các DN niêm yết, công ty đại chúng đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, ý thức chấp hành CBTT của các DN nhìn chung đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ DN chậm công bố BCTC định kỳ (quý, bán niên, năm) và CBTT bất thường… đã giảm đi rõ rệt.
Để có được kết quả này, phải kể đến vai trò quan trọng của các văn bản pháp luật về CBTT được sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, với các chế tài xử lý vi phạm CBTT tăng nặng so với trước đây, có tính răn đe cao hơn và nỗ lực của UBCK, các sở GDCK trong việc triển khai tổ chức tập huấn, giải thích cho DN.
Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy, mặc dù số vụ vi phạm về CBTT có giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính trên TTCK. Một số lỗi vi phạm phổ biến là do vi phạm CBTT của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người liên quan; CBTT bất thường... Vì vậy, việc đánh giá 3 năm thực hiện Thông tư 52 là cần thiết, qua đó xem xét những điểm bất cập để điều chỉnh, bổ sung các quy định mới cho phù hợp với thực tiễn thị trường.
Ông có thể chia sẻ về những điểm cơ bản sẽ được sửa đổi trong Thông tư số 52/2012?
Hiện tại, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012 đang được hoàn thiện và lấy ý kiến các sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và dự kiến cuối tháng 9/2014 sẽ đưa lên website của UBCK để lấy ý kiến DN và thành viên thị trường.
Việc sửa đổi các quy định về CBTT theo hướng siết chặt hoạt động công bố thông tin nhằm nâng cao tính kịp thời, minh bạch và công khai của TTCK, ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu về tiêu chí của MSCI trong việc đánh giá, xem xét cho việc nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Việc sửa đổi lần này tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: tách biệt nghĩa vụ CBTT và nghĩa vụ báo cáo; làm rõ khái niệm người liên quan và nhóm người có liên quan, khái niệm về ngày hoàn tất đợt phát hành không thu tiền; bổ sung trường hợp tạm hoãn CBTT; quy định rõ các trường hợp phải CBTT bất thường; quy định miễn trừ CBTT đối với giao dịch chứng chỉ ETF; các công ty có nhiều công ty cháu, chắt sẽ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất/tổng hợp cả những công ty này; bổ sung tiêu chí báo cáo thường niên các vấn đề liên quan đến môi trường xã hội, tính cộng đồng…
Ngoài ra, một điểm khá mới dự kiến đưa vào trong thông tư mới là buộc các DN niêm yết có quy mô vốn hóa lớn sẽ phải CBTT song song bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, còn đối với các công ty niêm yết khác thì khuyến khích CBTT bằng tiếng Anh ở một số nội dung cơ bản như BCTC; điều lệ công ty…
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nghi vấn về tình trạng DN làm giả Nghị quyết ĐHCĐ hoặc DN né trách nhiệm công bố thông tin theo luật định. Theo ông, có cách nào để tăng cường giám sát chất lượng CBTT của DN?
Theo tôi, việc làm giả các giấy tờ hành chính là rất nghiêm trọng, đặc biệt việc DN cố ý làm giả mạo giấy tờ, như trường hợp DN làm giả Nghị quyết ĐHCĐ theo tôi là không thể chấp nhận được. Ở đây, chúng ta cần xem xét tại sao DN lại làm giả nghị quyết hay là bản thân Chủ tịch HĐQT đứng ra làm giả nghị quyết, vì ĐHCĐ là do tập thể chủ sở hữu DN (cổ đông) và thường quyết định những vấn đề quan trọng của DN thông qua biểu quyết.
Tội giả mạo hồ sơ trong nhiều trường hợp không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vi phạm tác động đến quyền lợi của nhiều người. Khi để xảy ra sai sót, DN và hơn ai hết là người đứng đầu DN phải sẽ phải chịu trách nhiệm.
Các DN để xảy ra sai sót, vi phạm quy định CBTT phải giải trình trước cơ quan quản lý, nhưng có một thực tế là thời gian qua, nhiều DN chỉ thực hiện giải trình những sai sót, vi phạm một cách khá chung chung, mang tính đối phó. Ông đánh giá ra sao về chất lượng giải trình của các DN hiện nay?
Việc đánh giá chất lượng giải trình của doanh nghiệp và cá nhân cổ đông cũng phải tùy vào từng vụ việc cụ thể. Cần xem xét rõ đó là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan tác động đến và có động cơ gì sau các hành vi vi phạm quy định CBTT này không.
Thực tế cho thấy, khá nhiều trường hợp cổ đông nội bộ của DN nắm giữ các chức vụ chủ chốt công bố thông tin về việc mua, hay bán cổ phiếu của công ty và có tác động đến xu hướng thị trường, nhưng sau đó không thực hiện, nhưng sau đó chỉ được giải trình là do điều kiện thị trường biến động không được như kỳ vọng... Theo tôi, đây là một cách giải trình mang tính chủ quan, định tính.