Tránh dàn trải, phân tán nguồn lực
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban Soạn thảo Luật PPP chia sẻ, qua rà soát, thực tế ở nước ta thời gian qua, các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng yếu như giao thông - vận tải, năng lượng và các dự án này đều có vốn đầu tư lớn.
Còn theo tham khảo kinh nghiệm quốc tế, một số nước có quy định quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP, như Canada (100 triệu USD), Australia (50 triệu USD), Singapore (50 triệu USD), Brazil (2,7 triệu USD), Nam Phi (1 triệu USD)… Trong khi đó, một số quốc gia không quy định hạn mức làm PPP như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Với các quốc gia này, dù không quy định hạn mức cho dự án PPP, nhưng thực tế triển khai cũng thường tập trung vào các dự án quy mô lớn.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định hạn mức đầu tư với dự án PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng hình thức PPP đối với dự án nhóm B trở lên, tức 240 tỷ đồng trở lên. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng”, bà Lê cho biết.
Tại một hội nghị lấy ý kiến để xây dựng Luật PPP vừa tổ chức, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, vì vậy, cần quy định quy mô vốn tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo phương thức này, tránh bị đầu tư dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, mang lại hiệu quả đầu tư không cao.
Ngoài ra, theo ông Trương, chi phí chuẩn bị đầu tư để đưa một dự án PPP ra thị trường khá cao, nếu thực hiện PPP cho dự án quy mô nhỏ sẽ không mấy hiệu quả.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc điều khoản này. Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tếcủa Quốc hội cho rằng, trong các lĩnh vực khác nhau, hạn mức tối thiểu có thể khác nhau. “Trong thời đại phát triển rất nhanh của khoa học - công nghệ, sẽ xuất hiện nhiều dự án phi công trình, mà với dự án phi công trình, 100 tỷ đồng là con số khá lớn”, ông Phúc nói.
Doanh nghiệp dự án sẽ không được kinh doanh ngoài phạm vi dự án
Tại Dự thảo Luật PPP đang lấy ý kiến rộng rãi, có một chính sách mới rất đáng chú ý liên quan đến doanh nghiệp dự án, đó là phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo nguyên tắc xây dựng của Dự thảo, doanh nghiệp dự án được thành lập chỉ để triển khai một dự án PPP và các hoạt động kinh doanh khác vì mục đích thực hiện dự án, không được phép đăng ký kinh doanh các ngành, nghề khác với mục tiêu dự án.
Phân tích quy định này, ông Trần Việt Dũng, thành viên Ban Soạn thảo cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, doanh nghiệp dự án PPP chỉ có một nhiệm vụ, mục tiêu duy nhất là nhằm thực hiện dự án PPP, không được hoạt động trong các ngành, nghề khác với mục đích thực hiện dự án.
“Việc doanh nghiệp dự án vừa thực hiện dự án PPP, vừa kinh doanh các ngành, nghề khác có thể tạo ra lỗ hổng kế toán để chuyển doanh thu, chi phí từ các hoạt động khác sang dự án PPP, hạch toán không minh bạch, gây thiệt hại cho Nhà nước”, ông Dũng cảnh báo nguy cơ.
Thêm một điểm đáng chú ý là, dù bị giới hạn ngành nghề kinh doanh, nhưng doanh nghiệp dự án sẽ được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn, chuyển nhượng vốn cho mục đích thực hiện dự án.
Thực tiễn các nước cho thấy, dự án PPP huy động vốn thứ cấp, khi dự án đã đi vào vận hành sẽ giảm được đáng kể chi phí vốn. Đây là kênh huy động vốn từ xã hội, giải phóng các dòng vốn sơ cấp đã đầu tư vào giai đoạn rủi ro nhất.
“Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đều xây dựng công cụ bảo lãnh để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án trên thị trường. Qua quá trình lấy ý kiến, về cơ bản, các bộ, ngành cũng đã thống nhất với đề xuất nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Dũng cho biết.