SCTV “tố” đối thủ cạnh tranh không lành mạnh
Kênh truyền hình cáp SCTV thuộc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist mới đây đã “tố” các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh bằng giá cước.
Theo Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV, đơn vị này đang gặp khó khăn do bị các ông lớn Viettel, VNPT, FPT lấn sân sang dịch vụ truyền hình trả tiền và liên tục hạ giá thuê bao xuống chỉ còn từ 40.000 - 50.000 đồng/tháng. Hiện giá thuê bao của SCTV giá từ 80.000 đồng/tháng mà mức lãi cũng chỉ đạt 7-8%.
“SCTV đã đầu tư hạ tầng mạng trong 20 năm, dù đã khấu hao hết hạ tầng dịch vụ nhưng lợi nhuận chỉ đạt 7-8%. Tuy nhiên, các đơn vị mới gia nhập thị trường có giá bán chỉ 50.000 đồng/tháng là bởi các doanh nghiệp viễn thông lớn có thể lấy doanh thu từ dịch vụ viễn thông để bù sang cho dịch vụ truyền hình”, ông Huy nói.
Đó là chưa kể có những đơn vị viễn thông được lợi thế trong việc thuê cột điện để treo cáp (do liên quan đến nhận các đơn vị viễn thông thua lỗ của ngành điện trước đó). Hiện chi phí thuê cột điện chiếm 15 - 20% doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền. Phí thuê cột điện hạ thế là 17.000 đồng/tháng, cột cao thế là 50.000 đồng/tháng. Năm 2014, SCTV phải trả tiền thuê cột điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn được hưởng quyền kéo cáp triển khai mạng cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn, nhưng khi các doanh nghiệp khác xin phép lại không được địa phương chấp thuận.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp viễn thông lắp Internet cho khách hàng còn “cho không” dịch vụ truyền hình. Tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai… có doanh nghiệp đưa ra chính sách nếu hộ gia đình lắp đặt đường truyền internet cáp quang 8 Mbps với giá cước 165.000 đồng/tháng sẽ được miễn phí thuê bao truyền hình cáp.
SCTV từng khơi mào phá giá
Thời điểm này chuyện SCTV “tố” các nhà đài khác “phá giá” thị trường đang là thời sự, nhưng nếu suy xét lại, thì chính SCTV là đơn vị “khơi mào” cuộc chiến giá cước bèo.
Năm 2013, SCTV bắt đầu tấn công vào thị trường truyền hình trả tiền phía Bắc bằng việc phối hợp với Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV) cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Chiêu thức được lựa chọn để SCTC tấn công thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chính là giá cước rẻ.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty Truyền hình cáp Hải Dương bức xúc khẳng định, không những các doanh nghiệp viễn thông mới gia nhập thị trường cạnh tranh không lành mạnh về giá, mà chính SCTV mới là kẻ tiên phong cuộc chiến “phá giá”. Mức cước Truyền hình cáp Hải Dương đang cung cấp cho người dùng là 55.000 đồng/tháng, nhưng SCTV ồ ạt tung ra dịch vụ chỉ với 33.000 đồng/tháng để thu hút khách hàng.
Tương tự, theo đại diện Công ty Truyền hình cáp Thái Bình, SCTV khi “Bắc tiến” thu phí ở các thành phố lớn 100.000 đồng/tháng nhưng ở tỉnh thì chỉ áp dụng mức 50.000 đồng/tháng, về huyện thậm chí chỉ còn hơn 30.000 đồng/tháng, buộc các đài đang áp dụng mức giá hơn 100.000 đồng/tháng phải hạ giá theo.
Ông Đỗ An Thắng, Tổng giám đốc Truyền hình cáp Hải Phòng cho rằng, thực chất giá truyền hình không cao, lãi ít nên nếu doanh nghiệp bán giá quá thấp thực chất là dùng nguồn lực khác để bù chéo, khi có khách hàng sẽ tăng giá bán. Vì vậy, để đảm bảo công bằng trong kinh doanh, tránh tình trạng đơn vị lớn sử dụng các lợi thế, ưu đãi riêng để giảm giá, chiếm giữ thị trường, độc quyền, chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, cần có sự quản lý của nhà nước bằng các công cụ, chính sách về giá cước như việc quy định giá thành, giá sàn.