Sau 8 năm hoạt động, tính đến đầu năm 2014, SCIC mới thoái được vốn tại 580 DN, thu về cho Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách kế toán (1.800 tỷ đồng). Do vậy, việc thực hiện thoái vốn tại 376 DN trong năm 2014 và 2015 xem ra là nhiệm vụ không đơn giản.
Mặc dù vậy, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC vẫn khá tự tin trong việc thoái vốn DN hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ theo Quyết định 2344/QĐ-TTg.
“Năm 2013 là năm thoái vốn, cổ phần hóa găp vô cùng khó khăn (cả năm chỉ có 32 DN đấu giá cổ phần thành công), nhưng chúng tôi vẫn thu về cho Nhà nước 733 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giá trị sổ sách kế toán qua hoạt động thoái vốn. Từ kinh nghiệm thoái vốn trong nhiều năm qua, chúng tôi đặt mục tiêu giảm danh mục đầu tư (cả DN đang đầu tư và DN tiếp nhận thêm) xuống không quá 100 đơn vị”, ông Đạo phát biểu.
Để thoái được vốn thành công, ông Đạo cho biết, SCIC sẽ ban hành tiêu chí phân nhóm DN, phương án tái cơ cấu và kế hoạch bán vốn hàng năm, trong đó phân tích, đánh giá và triển khai tái cơ cấu từng DN, bao gồm cả DN đang quản lý và DN tiếp nhận mới trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, đồng thời chủ động tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để bán vốn với hiệu quả cao nhất.
Theo ông Đạo, hoạt động thoái vốn của SCIC trong thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi hơn, bởi ngoài kinh nghiệm, thị trường khởi sắc, thì Nghị định 151/2013/NĐ-CP với việc cho phép SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn như khớp lệnh, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận… sẽ tạo điều kiện để SCIC chủ động thoái vốn theo đúng tiêu chí, danh mục DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) kỳ vọng, với Nghị định 151/2013/NĐ-CP, hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC tiếp tục được đẩy mạnh. Việc cho phép SCIC được bán cả lô cổ phần; áp dụng chính sách khuyến khích đối với công ty tư vấn, môi giới, chứng khoán; được điều chỉnh giảm giá khởi điểm tối đa 3 lần (mỗi lần 10%) nếu đấu giá không thành công; xác định lại giá khởi điểm đối với DN gặp rủi trong kinh doanh; bán cổ phần thấp hơn mệnh giá đối với DN kinh doanh thua lỗ…, theo ông Tiến, là những chính sách hết sức linh hoạt.
Theo ông Tiến, vấn đề quan trọng nhất trong thoái vốn, cổ phần hóa là SCIC phải minh bạch, công khai, đặc biệt là việc xác định DN nào làm ăn thua lỗ thật. “Khi đã công khai, minh bạch, có lộ trình và thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục bán vốn nhà nước thì nhà đầu tư sẽ quyết định giá cổ phiếu ở mức hợp lý nhất theo đúng nguyên tắc thị trường. Và chỉ có công khai, minh bạch, thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ vốn vào DN”, ông Tiến nói.
Không chỉ tập trung thoái vốn tại 376 DN, năm 2014 và 2015, SCIC còn hỗ trợ tập đoàn, tổng công ty thoái vốn đã đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán.
Ông Đạo cho biết, SCIC lựa chọn một số khoản đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để mua lại, trước mắt là khoản đầu tư của PVN vào Ocean Bank, EVN đầu tư vào ABBank, VRG đầu tư vào SH Bank… “Chúng tôi sẽ mua lại những khoản đầu tư tốt nhất theo đúng giá thị trường, hỗ trợ tập đoàn, tổng công ty thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, chứ không phải “ôm” toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty”, ông Đạo nói.