SCIC tổng động viên kho: Cơ hội lớn hốt blue-chip

SCIC tổng động viên kho: Cơ hội lớn hốt blue-chip

(ĐTCK) Áp lực thoái vốn nhà nước đang khá cao, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả trong 2 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, bên cạnh việc tiếp tục lộ trình thoái 3,33% vốn điều lệ Vinamilk (VNM), thì cổ phiếu VCG của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam sẽ là đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC. Ngày 16/11 tới, Tổng công ty sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư 96,25 triệu cổ phiếu, tương đương 21,79% vốn điều lệ VCG.

Sau đó, SCIC sẽ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp khác như 33,1 triệu cổ phiếu NTP của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, tương đương 37,1% vốn điều lệ; 24,16 triệu cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, tương đương 29,51% vốn điều lệ.

Tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) là 34,71% (12 triệu cổ phiếu). Cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp này là rộng mở đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. “Room” cho khối ngoại rất lớn, tại NTP là 25,09%, BMP là 56,2%, DMC là 43,42%.

Riêng với Công ty cổ phần FPT, SCIC còn sở hữu 5,96% vốn điều lệ (31,63 triệu cổ phiếu), mức sở hữu nước ngoài ở FPT đã đạt trần.

Dự kiến, các đợt giới thiệu bán vốn tại các doanh nghiệp trên sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 và việc bán vốn phấn đấu hoàn tất trong tháng 12.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ý kiến nhận xét, danh sách các doanh nghiệp mà SCIC sắp thoái vốn nêu trên đa số là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả và có những yếu tố khác thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự, bề dày lịch sử hoạt động. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần.

Về thủ tục thoái vốn, lãnh đạo SCIC cho biết, Tổng công ty dựa vào chào bán cạnh tranh để chọn nhà đầu tư. Quá trình này thông thường sẽ bao gồm thuê bên tư vấn, tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư (trong nước và quốc tế), tiến hành định giá để đưa ra giá khởi điểm và tổ chức buổi đấu giá.

Thủ tục cuối cùng của việc thoái vốn là hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư trúng giá thông qua sàn chứng khoán (nếu giá thắng thầu nằm trong biên độ), hoặc tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (nếu giá thắng thầu không nằm trong biên độ).

Một số cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá đã được SCIC xin phép các cơ quan chức năng và được phép áp dụng như miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng USD, được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán), giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền.

Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán, vì tiền đặt cọc là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất).

Liên quan đến hoạt động bán vốn nhà nước, Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương thức dựng sổ nhằm tăng hiệu quả bán vốn. Đây là phương pháp phổ biến trên thế giới, được kỳ vọng đạt hiệu quả cao cho những giao dịch thoái vốn có giá trị lớn và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Lãnh đạo SCIC chia sẻ, Tổng công ty cũng đã chủ động nghiên cứu về phương thức dựng sổ để sẵn sàng áp dụng khi có quy định.

Ngoài ra, SCIC đang cân nhắc và xin Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép thoái vốn bằng cách bán cổ phần cả lô đối với doanh nghiệp niêm yết, vì trong một số trường hợp, các cổ đông lớn chỉ quan tâm đến việc mua một phần vốn của SCIC để đạt tỷ lệ chi phối và phần còn lại sẽ rất khó bán.

Ví dụ, nếu SCIC muốn bán 40% cổ phần của một công ty, trong khi một cổ đông khác đang nắm 40% cổ phần, cổ đông này có thể sẽ chỉ mua 11% từ SCIC để nắm cổ phần chi phối và 29% còn lại sẽ rất khó bán ở mức giá tốt.

Tin bài liên quan