“Ðể đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch thì phương thức đấu giá công khai cổ phần nhà nước luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với cả doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần như hiện nay, đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa quy định về bán vốn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế”, ông Nam nói.
Cụ thể, pháp luật chưa dự tính tới khoảng thời gian cần thiết để nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thủ tục soát xét đặc biệt trước khi ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, việc ký kết các thỏa thuận cổ đông hay hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cũng không được quy định như một bước cần có của quy trình bán vốn.
“Với quy trình bán vốn và mức chi phí như hiện nay, trong phần lớn các trường hợp, trừ khi thực hiện IPO DNNN, sẽ rất khó có cơ hội để các tổ chức tư vấn đầu tư quốc tế có thể tham gia hỗ trợ cho khách hàng”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước mỗi thương vụ cổ phần hóa/thoái vốn, việc thực hiện điều tra chi tiết về nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là rất cần thiết.
“Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt. Có như vậy, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại đoanh nghiệp mới thực sự trở thành công cụ hiệu quả”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghệp để bán vốn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Có 40 doanh nghiệp mà SCIC cố gắng bán nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công
Ðối với các doanh nghiệp đã niêm yết, giá cổ phiếu tham chiếu đương nhiên đã phản ánh kết quả kinh doanh, tiềm năng phát triển và lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có lợi thế về đất đai và giá trị về quyền sở hữu trí tuệ (nếu có). Do đó, quy định về yêu cầu tính toán riêng lẻ một số giá trị lợi thế cụ thể không thực sự có nhiều ý nghĩa đối với đa số các phương pháp định giá và chỉ thích hợp sử dụng đối với phương pháp tài sản.
Ðó là chưa kể vướng mắc về xử lý công nợ. Ðại diện SCIC cho biết, theo quy định hiện hành, trước khi thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp, SCIC phải xử lý dứt điểm công nợ của doanh nghiệp với SCIC và Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Tổng công ty quản lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, việc không trả nợ hoặc chậm trả nợ xuất phát từ nguyên nhân khách quan, chủ yếu là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ kéo dài và không đủ năng lực tài chính để trả nợ. Trong những trường hợp này, việc yêu cầu thu hồi nợ của doanh nghệp trước khi thoái vốn là không khả thi, trong khi nếu không thoái vốn thì khả năng tiếp tục mất vốn nhà nước là rất lớn do doanh nghiệp có nguy cơ lún sâu vào thua lỗ.
Ông Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, có 40 doanh nghiệp mà SCIC cố gắng bán nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công, thậm chí không có nhà đầu tư nào quan tâm. Trong 40 doanh nghiệp này, có 28 đơn vị rơi vào tình trạng thua lỗ liên tục với lỗ lũy kế trên 3 năm.
“Với những doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, thực sự rất khó có thể bán được, kể cả bán rẻ, vì không nhà đầu tư nào muốn đi ôm cục nợ. Những trường hợp khó khăn kiểu này đáng ra phải xử lý theo hình thức giải thể, phá sản. Còn những doanh nghiệp gọi là còn tàm tạm thì vốn nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ từ 5 - 20% nên rất khó bán”, ông Chi nói và cho hay, với những doanh nghiệp còn lại, việc xác định giá trị doanh nghiệp, định giá lại cao hơn nhiều giá trị thực, nên không nhà đầu tư nào chấp nhận bỏ tiền mua.
Trước tình trạng trên, SCIC kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần. Ðồng thời, cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường như DATC hay VAMC.
“Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC/VAMC, qua đó giúp Tổng công ty đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời, DATC/VAMC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nam nói.