Mô hình được khẳng định và phát huy hiệu quả
Những năm đầu thế kỷ 21, nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ và dần vươn ra thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Cùng với tiến trình ấy, mô thức quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã tồn tại nhiều chục năm với sự chủ quản trực tiếp của các bộ, ngành và chính quyền địa phương (bao gồm cả việc quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) tỏ ra không còn phù hợp.
Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Nghị quyết về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó khẳng định sự cần thiết phải thay đổi phương thức quản lý với doanh nghiệp theo hướng tách bạch chức năng quản lý hành chính và điều hành sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 khóa IX năm 2004 đã khẳng định sự cần thiết “thành lập công ty đầu tư tài chính nhà nước để làm đầu mối đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và thực hiện thống nhất, có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”. Thực hiện đường lối này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở giao việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tập trung vào công ty này.
Tổng giám đốc SCIC Lại Văn Đạo trao đổi với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới trong một buổi hội thảo do SCIC tổ chức
Trong một thập kỷ hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.722 tỷ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này, SCIC tổ chức phân tích, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thực hiện các phương án tái cơ cấu đối với từng doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp quản trị hiện đại phù hợp với doanh nghiệp, nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Tiếp đó, SCIC thực hiện việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ. Việc thoái vốn được cân nhắc kỹ càng, dựa trên sự nghiên cứu và dự báo thị trường mang tính chuyên nghiệp của một công ty đầu tư tài chính tầm cỡ của Chính phủ, sự đánh giá mang tính chuyên gia về giá trị doanh nghiệp và tính hài hòa trong danh mục đầu tư theo chiến lược của SCIC.
Cụ thể, SCIC đã bán vốn tại 811 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn Nhà nước tại 733 doanh nghiệp, bán bớt vốn Nhà nước tại 78 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp. Nhờ có các biện pháp quản trị, tái cơ cấu và hỗ trợ phù hợp kịp thời của SCIC, giá trị của các doanh nghiệp do SCIC quản lý tăng lên nhanh chóng, với doanh thu bán vốn đạt 9.243 tỷ đồng, giá vốn 3.925 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 2,4 lần, thể hiện sự gia tăng giá trị vượt bậc của đồng vốn Nhà nước do SCIC quản lý.
Danh mục vốn của SCIC đang quản lý còn 230 khoản, với tổng giá vốn theo sổ sách kế toán khoảng 17.000 tỷ đồng (không bao gồm đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ), giá thị trường ước đạt gần 78.000 tỷ đồng, gấp hơn 4,7 lần so với giá vốn sổ sách kế toán; vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước do SCIC quản lý hoạt động hầu hết có lãi, doanh thu và lợi nhuận đạt cao với kết quả năm sau cao hơn năm trước. Nhiều doanh nghiệp có ROE bình quân rất cao (trên 30%) như: CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (30%), CTCP Sữa Việt Nam (39%), CTCP Dược Lâm Đồng (32%), CTCP Dược Hậu Giang (31%), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (37%), CTCP FPT (31%), CTCP Nhựa Bình Minh (30%), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46%)...
10 năm qua, SCIC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhà nước giao, các chỉ tiêu hiệu quả đạt được rất ấn tượng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng 65,4 lần (từ 145 tỷ đồng năm 2006 ước tăng lên 9.472 tỷ đồng năm 2015); vốn chủ sở hữu tăng 9,5 lần; tổng tài sản tăng gấp 13,8 lần (từ 5.294 tỷ đồng năm 2006 ước tăng lên 73.150 tỷ đồng năm 2015); lợi nhuận sau thuế tăng gần 61,5 lần (từ 111 tỷ đồng năm 2006 ước tăng lên 6.798 tỷ đồng năm 2015); nộp ngân sách Nhà nước tăng 41 lần so với năm đầu thành lập; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13%/năm; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 6%/năm. Giai đoạn 2006 - 2010 ROE đạt bình quân 9,6%/năm, giai đoạn 2011-2015 tăng mạnh lên mức bình quân 15,6%/năm.
Bên cạnh việc quản lý, đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước đạt hiệu quả cao, SCIC trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong công cuộc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; SCIC đã thực hiện cổ phần hóa được 90% số công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên được tiếp nhận quản lý, 1 doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa, số còn lại đang tiếp tục củng cố để cổ phần hóa đạt được giá trị cao nhất. Có thể nói, SCIC đạt tỷ lệ cổ phần hóa cao nhất (90% số doanh nghiệp) so với mọi tổ chức, đầu mối khác có kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp trong 10 năm qua.
Thương hiệu nhà đầu tư của chính phủ
Cùng với những kết quả kinh doanh ấn tượng đạt được trong 10 năm qua, SCIC đã trở thành một thương hiệu lớn về đầu tư tài chính. SCIC đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), các quỹ đầu tư chính phủ các nước, các ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán... cả trong nước và quốc tế.
Nhờ các mối quan hệ hợp tác này, SCIC đã học hỏi và tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển, đồng thời mạng lưới quan hệ rộng lớn cũng giúp cho hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp, thoái vốn của SCIC thu hút được nhiều đối tác, từ đó đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, trong khuôn khổ tiến trình gia nhập TPP, SCIC cũng đang triển khai các thủ tục gia nhập Hiệp hội Các quỹ đầu tư chính phủ quốc tế, đánh dấu một bước phát triển nữa của SCIC trong công cuộc hội nhập của đất nước.
Quá trình hợp tác với các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM, các công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam đã giúp SCIC cổ phần hóa được 90% số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước do SCIC quản lý. Hiện SCIC đang cổ phần hóa 1 doanh nghiệp, tiếp tục củng cố số còn lại để việc cổ phần hóa đạt được giá trị, hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở những kết quả tài chính đạt được, SCIC đã gia tăng tích tụ vốn và thực hiện đầu tư theo đúng kế hoạch và định hướng của Chính phủ. Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đã đạt được những kết quả nổi bật với số vốn giải ngân lũy kế đến nay đạt hơn 17.900 tỷ đồng, bao gồm cả đầu tư trực tiếp vào các dự án và đầu tư gián tiếp (các sản phẩm trên thị trường chứng khoán niêm yết, OTC, bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu); quá trình đầu tư được nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng theo các phương pháp chuyên nghiệp trên cơ sở áp dụng các công cụ hiện đại; các đối tác đầu tư của SCIC là những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế và khu vực như MB, Vincom, Vietcombank, Temasek… Kế hoạch đầu tư của SCIC trong những năm tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh vào những dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược và đảm bảo hiệu quả.
Thông qua quá trình hỗ trợ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ, nhân viên của SCIC cũng tự hoàn thiện nâng cao trình độ của mình, kết hợp hài hòa yêu cầu quản trị mang tính tổng hợp, vừa mang yếu tố cán bộ kinh doanh, vừa kết hợp phương pháp chuyên gia trong từng khâu, từng việc. Đến nay, đội ngũ cán bộ của SCIC đều được đào tạo bài bản, đem lại kết quả rất đáng khích lệ. Bình quân lợi nhuận sau thuế do cán bộ SCIC đem lại lên tới 23,5 tỷ đồng/người/năm.
Định hình SCIC đến năm 2030
SCIC đang nỗ lực phấn đấu để trở thành tổ chức kinh tế đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; với tổng tài sản khoảng 22,5 tỷ USD vào năm 2020 (tăng trưởng bình quân 40%/năm giai đoạn 2015 - 2020), đến năm 2030 đạt khoảng 46 tỷ USD (tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030).
Để đạt được mục tiêu đó, SCIC đã xây dựng những giải pháp hết sức cụ thể. Trước hết, cần nhanh chóng triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc tách bạch chức năng quản trị doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đang do các bộ, ngành, địa phương thực hiện và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC.
Đồng thời, SCIC sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến tăng cường giám sát và nâng cao trách nhiệm của hội đồng quản trị trong doanh nghiệp gắn với từng loại hình doanh nghiệp. Củng cố và nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh của Tổng công ty thông qua xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, hoàn thiện bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các chuẩn mực quản trị tiên tiến; tăng cường trách nhiệm của người đại diện; tăng cường năng lực quản trị của các đơn vị thành viên, hoàn thiện hệ thống thông tin và công nghệ thông tin hiện đại.
Với tiềm lực tài chính và năng lực quản trị được nâng cao, SCIC sẽ tăng cường đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; lĩnh vực theo nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bằng nguồn vốn kinh doanh hoặc nguồn vốn của Chính phủ; đầu tư bổ sung vốn vào các doanh nghiệp có vốn của SCIC. Đầu tư vào các dự án, ngành, lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế khác theo các phương thức: đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; góp vốn liên doanh, liên kết; mua một phần tài sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác; đầu tư thông qua việc mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác...
Tham gia với vai trò là nhà đầu tư tài chính đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa. Đẩy mạnh mua bán sáp nhập doanh nghiệp, triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài (SCIC trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các doanh nghiệp có vốn cùa SCIC); từng bước triển khai hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; tư vấn cổ phần hóa; tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh; tư vấn đầu tư vào các tài sản tài chính; tư vấn đầu tư dự án trong và ngoài nước; tư vấn huy động vốn thông qua thị trường tài chính; tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp...
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Tổng công ty đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây chính là sự ghi nhận với những nỗ lực, thành quả của SCIC trong việc thực hiện chức năng đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Chính phủ. Giới đầu tư , các nhà hoạch định chính sách, chiến lược và cộng đồng DN đang kỳ vọng vào sự đột phá hơn nữa của mô hình SCIC trong tương lai .
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh Trong 10 năm qua, SCIC đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tổng công ty đã phát huy tốt vai trò NĐT chiến lược, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu vốn Nhà nước theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực thực sự then chốt, trọng yếu của nền kinh tế. Bước sang giai đoạn phát triển mới, Tổng công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đạt nhiều thành công và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển Tổng công ty trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. |
PGS - TS Trần Văn Tá, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SCIC Thành công của mô hình SCIC trước tiên là tách bạch giữa quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu. SCIC không tham gia vào quá trình quản lý nhà nước như là các cơ quan quản lý nhà nước và thực sự SCIC trở thành NĐT vốn tại các DN và vì vậy luôn luôn sát cánh cùng DN trong việc quản trị tài chính, quản trị sản xuất - kinh doanh cũng như các lĩnh vực đầu tư, mở rộng và phát triển DN. SCIC luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN có thể chớp được các thời cơ đầu tư mở rộng sản xuất cũng như đầu tư nâng cao trình độ quản lý khoa học công nghệ… |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Mô hình hoạt động của SCIC đã được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh kinh tế của Việt Nam là Chính phủ bắt tay vào công cuộc cổ phần hóa. Mô hình này đã mang lại một số lợi ích cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình quản lý tài sản nhà nước tại DN. Thứ nhất, mô hình này đã giúp thúc đẩy chương trình cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. SCIC đã giúp thoái phần vốn Nhà nước tại hơn 700 DN, góp phần giảm đáng kể phần vốn Nhà nước tại các DN này. Thứ hai, mô hình này cũng giúp củng cố các thông lệ quản trị công ty tại khoảng hơn 200 DN trong danh mục hiện tại của SCIC. Cuối cùng, mô hình này đã giúp tách bạch vai trò của Nhà nước giữa việc là cơ quan quản lý hành chính với việc là chủ sở hữu phần vốn tại DN, điều mà trước đây chưa thực hiện được khi DN hoạt động dưới sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Theo tôi, đây chính là 3 lợi ích quan trọng nhất của mô hình hoạt động SCIC. |
Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Phó tổng giám đốc Vinaconex Giai đoạn 2010-2011, nhu cầu tái cấu trúc hoạt động của Vinaconex được Ban lãnh đạo Tổng công ty đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh đó, năm 2011, SCIC đã cử ông Đinh Việt Tùng, Trưởng ban Quản lý vốn đầu tư 2 - xuống DN để cùng Ban lãnh đạo Vinaconex thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu tài chính. Bên cạnh việc điều động cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu tài chính tại DN, SCIC cũng đã thực hiện việc tăng vốn tại Vinaconex. Tính đến hết 2014, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của DN đã giảm xuống còn 0,96, tức là giảm hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010, góp phần ổn định hoạt động và tạo đà tăng trưởng cho DN. Điều ấn tượng nhất của chúng tôi về SCIC là tính chuyên nghiệp và trình độ cao, toàn tâm toàn ý cho sự phát triển của DN. SCIC đã thực hiện rất tốt vai trò lãnh đạo cũng như quản lý nhà nước tại DN. SCIC đã vạch ra kế hoạch để Ban lãnh đạo Vinaconex phát huy tính tự chủ để đồng vốn nhà nước và lợi nhuận DN được tốt nhất. Thứ hai, SCIC rất có kinh nghiệm trong hoạt động quản lý rủi ro, hoạt động kinh doanh tài chính của DN để bảo toàn đồng vốn tại DN… |
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp Tôi vinh dự là người đại diện vốn Nhà nước của SCIC tại NTP với cương vị Chủ tịch HĐQT. SCIC trong những năm qua đã thực sự là một cổ đông lớn, một cổ đông chiến lược của NTP, là một thể chế tài chính lớn, luôn luôn đồng hành phát triển cùng DN. Những thành công của NTP có sự đóng góp rất lớn của SCIC. Qua những lần tham vấn, xin ý kiến của SCIC, với sự có mặt của cán bộ SCIC đã giúp NTP xây dựng được đường lối phát triển, sản xuất - kinh doanh một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất, tránh được những rủi ro, bất ổn trong quá trình phát triển. |
Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc CTCP Traphaco,người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp Với vai trò cổ đông, thông qua hệ thống người đại diện, SCIC đã có nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp phát triển. Tổng công ty đã tham gia tư vấn, giám sát, cho các DN có nhu cầu tăng vốn mở rộng sản xuất, định hướng phát triển DN, phân phối lợi nhuận, đặc biệt là quan tâm đến lợi ích của người lao động. SCIC thường xuyên tổ chức hội thảo, lớp học, lớp đào tạo... đồng thời là cầu nối giữa các DN, giúp DN tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh. Những điều đó giúp DN phát triển tốt hơn, và cũng là cách Tổng công ty gia tăng giá trị vốn nhà nước tại DN. |
SCIC định hướng trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực vào năm 2020 với tổng tài sản (bao gồm tài sản do Nhà nước ủy thác quản lý) vào khoảng 22,5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân 40%/năm giai đoạn 2015-2020).