Thương vụ “giải cứu” Vietnam Airlines trong năm 2021 của SCIC gây ấn tượng mạnh với thị trường và giới đầu tư.

Thương vụ “giải cứu” Vietnam Airlines trong năm 2021 của SCIC gây ấn tượng mạnh với thị trường và giới đầu tư.

SCIC sẽ chủ động, tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021 là một năm có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi phải tham gia nhiều thương vụ “khó”, nhưng vẫn đạt được kết quả trọn vẹn. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Thương vụ “giải cứu” Vietnam Airlines của SCIC gây ấn tượng mạnh với thị trường và được giới truyền thông bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. Với yêu cầu quan trọng là đầu tư phải bảo toàn vốn, quá trình ra quyết định giải ngân vốn đầu tư chắc chắn không hề đơn giản. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 đã nhanh chóng tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó ngành hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp và nghiêm trọng.

Cũng như nhiều hãng hàng không khác, Vietnam Airlines (VNA) đột ngột lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, đứng trước rủi ro mất khả năng thanh toán, thậm chí có thể dẫn tới phá sản và gây ra những hệ lụy rất lớn đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính quốc tế.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cần có các giải pháp cấp bách hỗ trợ VNA, để tháo gỡ khó khăn, giúp hãng hàng không quốc gia vượt qua khủng hoảng, tuyệt đối không để lâm vào tình trạng phá sản.

Trên cơ sở đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết giao SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu phát hành tăng vốn thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại VNA theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao SCIC quản lý phần vốn mua cổ phần tại VNA theo quy định của pháp luật, bảo đảm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngay sau khi có chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, SCIC đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, thẩm định khoản đầu tư vào VNA phù hợp với các quy định pháp luật, theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực M&A.

SCIC đã thuê các đơn vị tư vấn rà soát pháp lý và thẩm định giá để đảm bảo quy trình triển khai tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như đánh giá về khả năng bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo chỉ đạo tại Nghị quyết 194 của Chính phủ.

Ở thương vụ này, khả năng bảo toàn vốn đầu tư của SCIC phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của đại dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi phải có những phân tích, đánh giá toàn diện về cơ hội và rủi ro trên cơ sở nghiên cứu các kịch bản dự báo kinh tế; đánh giá, dự báo của các chuyên gia y tế về thời gian kiểm soát được dịch bệnh, về thời điểm Việt Nam đạt được độ phủ vắc xin…

Trong quá trình triển khai, SCIC thường xuyên cập nhật báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan chức năng về khả năng bảo toàn vốn đầu tư và những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý trong việc thực hiện đầu tư kinh doanh vốn có mục tiêu chính trị - xã hội, khi hiệu quả tài chính của khoản đầu tư không hoàn toàn được đảm bảo theo cách đánh giá thông thường.

Trong đó, SCIC đã bảo vệ thành công phương án phát hành tăng vốn điều lệ với giá bằng mệnh giá để bảo vệ quyền lợi cổ đông nhà nước, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong bối cảnh khả năng tài chính của các cổ đông ít nhiều bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đến ngày 14/9/2021, SCIC đã hoàn thành việc giải ngân khoản đầu tư trị giá 6.895 tỷ đồng vào VNA. Có thể nói, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ, quá trình đầu tư của SCIC vào VNA được thực hiện chủ động, với ý thức chính trị cao của toàn hệ thống SCIC; quy trình đánh giá cơ hội đầu tư và ra quyết định đầu tư được thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ thị trường, đảm bảo thời hạn quy định.

Ngoài Vietnam Airlines, SCIC còn ghi dấu ấn đậm nét ở quá trình tái cơ cấu Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Cho tới giữa tháng 12/2021, cả nghìn người lao động của VTM vẫn còn trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng về tương lai, công ăn việc làm trong năm 2022 khi giấy phép khai thác mỏ của Công ty đã hết hạn. Và rồi họ vui mừng khôn xiết khi “được cứu”. Tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp này, SCIC có cảm xúc như thế nào?

VTM là một trong 12 doanh nghiệp/dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương cần phải sớm xử lý dứt điểm.

Nhận thức được tính cấp bách, tầm quan trọng của việc tái cơ cấu VTM trong việc bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại tỉnh Lào Cai, ngay từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) từ Bộ Công thương, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và có hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 12 dự án, SCIC đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung mọi nguồn lực để sớm giải quyết.

SCIC đã có nhiều văn bản chỉ đạo bộ phận đại diện vốn tại Vnsteel để yêu cầu báo cáo về hoạt động sản xuất - kinh doanh và đề xuất các giải pháp, xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VTM để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở báo cáo của người đại diện vốn, trong năm 2020 và năm 2021, Hội đồng thành viên SCIC đã tổ chức thẩm định, kịp thời có các nghị quyết và văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền về Đề án tái cơ cấu VTM cùng các kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặc dù được cấp phép khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa (mỏ sắt có trữ lượng và chất lượng tốt nhất của Việt Nam), nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của VTM gặp rất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn khi giấy phép hoạt động khoáng sản của Công ty hết hạn, buộc phải dừng sản xuất từ ngày 16/9/2021 và không đủ điều kiện để được gia hạn. Nếu để VTM bị phá sản thì hệ quả để lại là rất lớn (Vnsteel sẽ có nguy cơ mất ngay khoản vốn góp tại VTM, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vnsteel; các nhà cung cấp có khả năng không thu hồi được nợ, ngân hàng không thu hồi được vốn cho vay tại VTM. Ngoài ra, khoảng 1.400 lao động sẽ bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội, thu ngân sách của tỉnh Lào Cai).

Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai, ngày 29/12/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc cho phép VTM khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong thời hạn 1 năm để có thời gian hoàn thành Đề án tái cơ cấu, khắc phục các tồn tại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với 1.400 người lao động của VTM, SCIC đã rất vui vì trước mắt VTM đã có nguồn quặng để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức mà VTM cần phải vượt qua, đó là sớm hoàn thiện và phê duyệt Đề án tái cơ cấu VTM để cấp có thẩm quyền xem xét cấp lại giấy phép hoạt động khoáng sản, làm cơ sở để VTM có thể hoạt động ổn định lâu dài, mang lại hiệu quả cho Nhà nước và doanh nghiệp, góp phần ổn định an ninh xã hội của tỉnh Lào Cai.

Như vậy có thể thấy, việc đầu tư vốn nhà nước đòi hỏi nhiều nỗ lực và bản lĩnh, sự am hiểu sâu về doanh nghiệp. Trong khi đó, thúc đẩy đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhìn từ các thương vụ trên, đâu là các giải pháp để có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư ở SCIC?

Qua hơn 15 năm, hoạt động đầu tư của SCIC được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước. Với nguồn vốn điều lệ được cấp và nguồn lực tài chính đã tích lũy trong quá trình kinh doanh, đến tháng 12/2021, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số tiền 36.841 tỷ đồng.

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC.

SCIC có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, có năng lực tài chính cũng như có khả năng huy động nguồn vốn lớn với chi phí hợp lý dựa trên xếp hạng tín nhiệm của mình.

Chúng tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức các sự kiện nhằm xúc tiến, thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Nhu cầu vốn đầu tư trong tương lai, cho 5 năm tới là rất lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, các nghị quyết của Quốc hội và mới đây nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ đều đề cập đến sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn lực cần huy động.

Thực tế cho thấy, kết quả huy động đầu tư toàn xã hội năm 2021, cũng như giải ngân đầu tư công đều thấp, bởi vậy dư địa để thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư còn nhiều.

Với vai trò là một định chế đầu tư của Nhà nước, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quỹ đầu tư chính phủ, SCIC mong muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc huy động vốn đầu tư gián tiếp từ các quỹ đầu tư chính phủ, các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trên thế giới để huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế; cùng thành lập các quỹ đầu tư chuyên ngành để đầu tư vào ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam.

SCIC sẽ tham gia các dự án với vai trò nhà đầu tư tài chính, ưu tiên thực hiện đầu tư gián tiếp thông qua góp vốn mua cổ phần.

Trong thời gian qua, SCIC đã thẩm định nhiều cơ hội đầu tư tài chính và đầu tư dự án, nỗ lực sàng lọc, nghiên cứu bài bản các dự án, cơ hội đầu tư, nhưng công tác giải ngân chưa đạt như kỳ vọng do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý như: Chiến lược phát triển và Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm chưa được phê duyệt; thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC đối với các dự án nhóm B chưa được làm rõ…

Việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và phát huy vai trò của SCIC với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ là cần thiết và chín muồi, xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế, đồng thời, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế; huy động nguồn lực tài chính đầu tư vào những ngành, lĩnh vực then chốt, dự án lớn, quan trọng, động lực tăng trưởng của quốc gia.

Với nguồn lực được giao, SCIC sẽ là một công cụ, một kênh đầu tư của Chính phủ để hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư, nắm giữ.

Rất mừng là cho đến nay, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Phát triển của SCIC, trong đó có định hướng đẩy mạnh hoạt động đầu tư để thực hiện tốt vai trò Nhà đầu tư của Chính phủ.

Chiến lược được phê duyệt, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi thúc đẩy chức năng đầu tư của mình.

Với nguồn lực được giao, SCIC sẽ là một công cụ, một kênh đầu tư của Chính phủ để hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư, nắm giữ; đầu tư vào các doanh nghiệp (thuộc các thành phần kinh tế) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hướng nặng nề của dịch Covid-19 để tạo động lực phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế; tham gia thực hiện các nhiệm vụ: ổn định thị trường tài chính, ổn định nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tham gia đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của nền kinh tế...

Trong các hoạt động đầu tư hay quản lý vốn nhà nước, ông đã nhiều lần nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng góp phần đem lại sự thành công là con người, hay nói khác là công tác nhân sự, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt ở các doanh nghiệp. Kinh nghiệm của SCIC trong công tác nhân sự để có thể xử lý tốt việc này?

Đội ngũ cán bộ quản lý luôn đóng vai trò quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp. Qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp, SCIC đã chủ động xây dựng đội ngũ trên 200 cán bộ được đào tạo bài bản, có chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong quản trị, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.

Đồng thời, chúng tôi cũng kế thừa, đào tạo, hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với đội ngũ các cán bộ quản lý hiện đang làm việc chuyên trách tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC. Đây chính là nguồn lực hết sức quan trọng, là cánh tay nối dài không thể thiếu để giúp SCIC làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình tại doanh nghiệp.

Với vai trò cổ đông năng động, ngoài việc tích cực tham gia xây dựng kế hoạch kinh doanh hằng năm, yếu tố con người, nhất là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp luôn được quan tâm hàng đầu.

Kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra là ở những doanh nghiệp có vốn nhà nước giữ vai trò chi phối, người đại diện vốn cần quán triệt và vận dụng có hiệu quả phương thức lãnh đạo theo Quy định số 48-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, tuyệt đối tuân thủ Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức của doanh nghiệp.

Đây là những công cụ hết sức quan trọng, sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp được vận hành lành mạnh, minh bạch và hiệu quả.

Tin bài liên quan