Hội nghị “Tăng cường hợp tác với quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” do SCIC phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tổ chức

Hội nghị “Tăng cường hợp tác với quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” do SCIC phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tổ chức

SCIC sẵn sàng cho giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chứng minh mô hình và năng lực quản trị vốn hiệu quả, sẵn sàng các nguồn lực để bước sang giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn.

Bước ngoặt quản lý vốn nhà nước

Năm 2005, SCIC ra đời trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông - nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Kể từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; trong đó tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; bán vốn tại 1.054 doanh nghiệp, thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn; giải ngân đầu tư với tổng số tiền 38.779 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines; nộp NSNN với tổng số tiền 92.144 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13%/năm.

Sáu tháng đầu năm 2024, Tổng công ty tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với các chỉ tiêu tài chính chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao, như tổng doanh thu đạt 4.143 tỷ đồng, bằng 60,1% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.369 tỷ đồng, tương ứng 80,2% kế hoạch năm và cao gấp gần 1,7 lần mức thực hiện năm 2023. Tính đến ngày 30/6/2024, danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng.

SCIC đã chứng minh năng lực trong việc thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp, đặc biệt đối với 4 doanh nghiệp là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

18 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đạt kết quả khả quan với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt gần 61.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt gần 68.000 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách). Trong danh mục đầu tư của SCIC, có những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, có thị phần dẫn đầu trong một số ngành như Vinamilk, Sabeco, FPT, Dược Hậu Giang, Vinatex…

Kỳ vọng đột phá trên chặng đường mới

Theo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, SCIC định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò là định chế, công cụ của Chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với định hướng đó, SCIC tiếp tục tập trung triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, cổ phần hóa, tái cơ cấu, bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn; củng cố SCIC để bảo đảm đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng đến năm 2025 trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Mới đây, Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án Cơ cấu lại SCIC đến năm 2025 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành tại Quyết định số 690/QĐ-Ttg ngày 17/7/2024. Theo đề án này, đến năm 2025, SCIC có doanh thu bình quân hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm 6.700 tỷ đồng; ROE bình quân hàng năm đạt 10%...

SCIC sẽ phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào doanh nghiệp, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các doanh nghiệp, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hàng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai..; đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Tin bài liên quan