Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ như trên về chiến lược hoạt động của Tổng công ty trong giai đoạn tới.
Theo ông Thành, SCIC được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, SCIC đã tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ chi phối, qua đó tăng cường vai trò chủ đạo, định hướng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng. SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.
Tỷ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư (ROE) trong giai đoạn 2006 - 2019 đạt 13%.
Mặc dù hoạt động đầu tư của SCIC đã đạt kết quả bước đầu, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là vướng mắc pháp lý về thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC, ngành, lĩnh vực được phép đầu tư, nên hoạt động đầu tư của SCIC vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, chưa có tác động lan tỏa trong nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra khi thành lập Tổng công ty.
Tại Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 22/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, kết luận cuộc họp ngày 29/4/2020 về định hướng chiến lược phát triển của SCIC, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: “SCIC cần xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu chuyên nghiệp của Chính phủ; quy mô tăng vốn cần thiết; nghiên cứu mô hình quỹ đầu tư lớn của chính phủ các nước (mô hình Temasek của Singapore) để có định hướng phát triển lên quy mô lớn, hiệu quả”.
Thực hiện sứ mệnh được Ðảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, ông Nguyễn Chí Thành khẳng định, SCIC đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược phát triển giai đoạn đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ” và hướng tới trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2035.
Hoạt động đầu tư là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của SCIC.
Ðặc biệt là trong giai đoạn từ 2020 trở đi, sau khi nhiệm vụ tiếp nhận và tái cơ cấu doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn.
Ðiều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các quỹ đầu tư chính phủ ở nhiều nước trên thế giới: thời gian đầu tích lũy nguồn lực và kinh nghiệm từ việc quản trị danh mục được chính phủ giao quản lý, sau đó đi đôi với việc thoái vốn sẽ chuyển hướng dần sang hoạt động đầu tư, từng bước đẩy mạnh đầu tư trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam, mô hình quỹ đầu tư chính phủ mà SCIC hướng tới là tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước, chứ không tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài.
Trong giai đoạn 2020 - 2035, SCIC định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Cụ thể, SCIC sẽ đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...) và tài chính - ngân hàng. Trong giai đoạn 2020 - 2025, dự kiến, mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng.
Ðể thực hiện được vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư của SCIC cần được tháo gỡ.
Tại Thông báo 186, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ một số một số vướng mắc của SCIC về ngành, lĩnh vực đầu tư; thẩm quyền ra quyết định đầu tư; phê duyệt vốn điều lệ của SCIC.
Trong năm 2020, SCIC sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt mức vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 148 và có lộ trình tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ do Chính phủ giao phó.