Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ thực tiễn tại SCIC.
Hiện nay, chúng ta đang bàn nhiều đến việc tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản lý. SCIC được thành lập và hoạt động với mục tiêu này. Ông có thể chia sẻ những kết quả mà SCIC đạt được trong thời gian qua?
Chính phủ quyết định thành lập SCIC với mục tiêu tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao; đầu tư vốn vào các lĩnh vực, ngành nghề cần thiết.
Trong hơn một thập kỷ hoạt động, Tổng công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa; tiến hành thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả vốn nhà nước thông qua vai trò cổ đông nhà nước tại các doanh nghiệp.
SCIC xác định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, với định hướng mới là tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực trọng yếu, có triển vọng lâu dài, nhưng chưa hấp dẫn khu vực kinh tế tư nhân như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…
Cụ thể, đến nay, SCIC đã tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp cổ phần hóa, áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến và phù hợp vào các doanh nghiệp này. Việc quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu được thực hiện chuyên nghiệp, bộ máy gọn nhẹ, tính chuyên môn cao; kết hợp hệ thống người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ...
Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đạt cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân các năm 2013 - 2015 đạt từ 20,1 - 20,5%, tăng nguồn thu cổ tức cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2006 - 2016, tổng số cổ tức SCIC thu về từ các doanh nghiệp Tổng công ty nắm vốn đạt 25.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước không cần nắm giữ tại gần 950 doanh nghiệp, thu về trên 27.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với số vốn tiếp nhận; tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa thành công 28/30 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhận bàn giao từ các bộ, ngành, địa phương.
Về hoạt động đầu tư, với nguồn vốn điều lệ và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh, tổng vốn đầu tư đã giải ngân của SCIC là trên 24.000 tỷ đồng. Đầu tư của SCIC đã được tiến hành thận trọng, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao. Tổng công ty đã và đang trở thành đầu mối tích tụ vốn, đồng thời là công cụ giúp Chính phủ trong tổng thể triển khai các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Những kết quả trên là minh chứng cho tính hiệu quả của SCIC, khẳng định sự đúng đắn chủ trương của Đảng: tách quản lý hành chính ra khỏi quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp.
Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, vai trò quản lý vốn của SCIC còn khá mờ nhạt. Doanh thu của SCIC chủ yếu đến từ việc thu cổ tức tại doanh nghiệp hoặc từ nguồn thu bán vốn, mà chênh lệch bán vốn có được là do SCIC tiếp nhận vốn nhà nước với mức giá bằng mệnh giá?
Việc một nhà đầu tư được hưởng cổ tức khi doanh nghiệp mà họ góp vốn hoạt động tốt là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, SCIC là doanh nghiệp chuyên về đầu tư và kinh doanh vốn. Điều đáng nói ở đây là để doanh nghiệp hoạt động tốt, bản thân cổ đông phải có đóng góp cho doanh nghiệp.
Từ khi nhận bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã từng bước kiện toàn và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. SCIC đã đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp và sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả. Tính đến nay, SCIC đã đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, từ đó gia tăng cổ tức cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động tốt thì trong danh mục của SCIC cũng có những doanh nghiệp phức tạp, khó khăn kéo dài, rất cần vai trò của cổ đông SCIC trong các hoạt động quản trị, tái cơ cấu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, chứ chưa nói là có lãi và hưởng cổ tức.
Trong một số trường hợp, SCIC đã phải tận dụng tối đa quyền mà cổ đông nhà nước có được như quyền phủ quyết, để có điều kiện tốt hơn trong việc bảo vệ lợi ích Nhà nước. Tất nhiên, SCIC không bao giờ sử dụng quyền này nếu các đề xuất của doanh nghiệp thực sự tốt cho doanh nghiệp và cho các cổ đông.
Trong hoạt động bán vốn, SCIC đã bán vốn tại gần 950 doanh nghiệp (trong đó, bán hết vốn tại 849 doanh nghiệp) với giá vốn là 7.600 tỷ đồng và thu về trên 27.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bán vốn chủ yếu quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả, nhưng kết quả bán vốn lũy kế thu được gấp 3,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước năm 2015 là 1,48 lần). Có thể nói, SCIC là tổng công ty đầu tiên thực hiện việc thoái vốn với quy trình chuyên nghiệp, từ định giá đến tổ chức đấu giá, khớp lệnh, giao dịch ngoài sàn, thỏa thuận, chào bán cạnh tranh, bán cả lô...
Thực tế cho thấy, cơ chế bán vốn mà SCIC đã xây dựng và triển khai rất linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi, mạng lưới nhà đầu tư rộng nên đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia. Chẳng hạn, cơ chế bán đấu giá cả lô mà chúng tôi đang thực hiện tỏ ra rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp bán được hết vốn đang đầu tư trong một lần, tránh tình trạng chỉ bán được một phần và phải tổ chức nhiều cuộc đấu giá mới bán hết số cổ phần cần bán, hoặc tỷ lệ vốn đầu tư còn lại sau khi bán đấu giá quá ít khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian theo dõi và quản lý.
Ngoài ra, SCIC đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt, được đào tạo chuyên sâu về tài chính, có kinh nghiệm soát xét, thẩm định dự án, phân tích tài chính để đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Là một mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ một số khó khăn mà SCIC đang phải đối mặt?
Khách quan mà nói, trong 10 năm hoạt động của mình, có rất nhiều cách làm mới theo các thông lệ hiện đại trên thế giới đã được SCIC nghiên cứu, xây dựng và đề xuất áp dụng. Đơn cử, việc xây dựng và ban hành quy chế bán cổ phần; quy chế người đại diện vốn; quy chế quản trị vốn đầu tư…
Đặc biệt, nhiều đột phá trong cơ chế bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được SCIC triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực như hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô, cơ chế bán vốn cho người lao động và nhà đầu tư chiến lược.
Từ cơ chế bán vốn đặc thù của SCIC, vừa qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế chung áp dụng thống nhất đối với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhằm thúc đẩy thoái vốn nhà nước và đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, là một mô hình mới, SCIC cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì có cả những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của SCIC. Việc chưa có những cơ chế quản lý phối hợp với các doanh nghiệp, các chính sách, quy định quyền và trách nhiệm của người đại diện của SCIC chưa rõ ràng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của SCIC, mà từ đó, SCIC đã phải tự đúc rút kinh nghiệm và học hỏi để xây dựng nên những cơ chế phù hợp.
Chẳng hạn, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không phải lúc nào SCIC cũng nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, khoảng 200 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chuyển giao vốn cho SCIC theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hiện đã quá thời hạn bàn giao, nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ mới đây đều nêu ra thực tế này và có kiến nghị lên lãnh đạo Chính phủ. Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc quá trình chuyển giao. Tuy nhiên, tiến độ chuyển giao vốn vẫn rất chậm, mặc dù về mặt pháp lý, các bộ, địa phương có trách nhiệm phải chuyển giao.
Hay như quyền chủ động trong triển khai hoạt động đầu tư của SCIC còn hạn chế do những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, có nhiều vướng mắc dẫn đến thời gian kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi. Theo cơ chế hiện hành, SCIC chưa thực sự có quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với khu vực khác.
Vậy chiến lược hoạt động của SCIC trong thời gian tới, với những định hướng chính sách mới, có gì đáng chú ý, thưa ông?
Đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động của SCIC đã tương đối đầy đủ với nhiều văn bản pháp lý do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục củng cố hoạt động theo định hướng là tổ chức đầu tư tài chính của Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
SCIC xác định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, với định hướng mới là tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực trọng yếu, có triển vọng lâu dài, nhưng chưa hấp dẫn khu vực kinh tế tư nhân như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… Song song với đó, SCIC sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn theo lộ trình của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của SCIC thông qua việc hoàn thiện chiến lược, các quy trình, quy chế nghiệp vụ, tăng cường đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả (KPIs) khoa học, thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ, kinh nghiệm...