Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, sau 17 năm hoạt động, SCIC cần được thay đổi và có bước chuyển mình.
Ra đời với sứ mệnh tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông đánh giá thế nào về hoạt động của SCIC?
SCIC đã trải qua hành trình 17 năm, không quá ngắn cũng không quá dài, cơ bản đã đủ độ chín, những con số kết quả mà mọi người đã biết minh chứng cho quá trình trưởng thành của SCIC. Đó là tiếp nhận hàng ngàn doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng và thoái vốn ở hàng ngàn doanh nghiệp. Hiện nay, SCIC còn quản lý danh mục hơn 100 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ tại doanh nghiệp lên đến cả trăm ngàn tỷ đồng.
Có thể hình dung rằng, đây là một tổ hợp các doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Điểm nổi bật là các hoạt động về doanh thu lợi nhuận của SCIC trong năm qua đều cải thiện, năm nào cũng tăng cao hơn năm trước. Kết quả những năm qua, vốn là giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cũng rất tích cực, thể hiện sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên SCIC.
Quan trọng hơn, sau 17 năm hoạt động, đến nay SCIC đã có trên 200 cán bộ là các chuyên gia có kinh nghiệm, gắn bó với SCIC và trưởng thành. Điều này thể hiện qua việc các hoạt động, nhiệm vụ của SCIC như quản lý vốn, thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp được triển khai bài bản và có tính hệ thống. SCIC tiến tới hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp và quan trọng hơn qua từng năm. Ví dụ, hiện nay SCIC đã tiếp nhận vốn của những tập đoàn lớn như Vinatex, xử lý tái cơ cấu các dự án lớn của Tổng công ty Thép Việt Nam, dự án Tisco và Tổng công ty Licogi (Bộ Xây dựng).
SCIC cũng chứng minh là một mô hình hoạt động, là công cụ nhà nước sử dụng để quản lý vốn tại doanh nghiệp có tính chất kinh doanh rất phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, mô hình hoạt động của SCIC cũng là một thử nghiệm cho việc hoàn thiện chính sách của Việt Nam trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn và định giá doanh nghiệp.
SCIC đã đạt kết quả hơn cả mong đợi, tuy vậy vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Mô hình hoạt động của SCIC còn tương đối mới, trong quá trình hoạt động, phát triển, phải tự hoàn thiện bản thân SCIC và hoàn thiện các cơ chế của Nhà nước với SCIC. Tất nhiên, trên hành trình của một doanh nghiệp mới luôn có những khó khăn và vướng mắc. Sau 17 năm, SCIC cần có bước điều chỉnh, chuyển mình, không phải do những khó khăn đó, mà là do những điều kiện mới thay đổi.
Thứ nhất là, việc sắp xếp, xử lý các doanh nghiệp quy mô nhỏ theo số lượng lớn đã qua, hiện nay cần tập trung xử lý số ít các doanh nghiệp quy mô lớn và có những khoản mục phức tạp, đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao.
Thứ hai là, nhu cầu về đầu tư vốn, về trách nhiệm sử dụng vốn của SCIC với quy mô vốn trên 50.000 tỷ đồng. Việc lựa chọn ngành nghề, lựa chọn dự án và khả năng quản trị dự án của SCIC cũng là thách thức trong thời gian tới.
Thứ ba là, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó có cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý, cũng như thị trường tài chính. SCIC phải tiếp cận dần đến các chuẩn mực quốc tế cả về sản xuất, kinh doanh cũng như thị trường tài chính.
Thứ tư là, cách mạng công nghiệp cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ, năng lực quản trị trên cơ sở số hóa, các công cụ quản lý có tính chất hiện đại mà SCIC sẽ phải áp dụng trong thời gian tới để có sức cạnh tranh với các quỹ đầu tư và các nhà tài chính quốc tế.
Đó là một số thách thức lớn mà SCIC hiện đang gặp phải. Tới đây, SCIC cần nâng cao đội ngũ quản trị của mình, có sự dài hơi trong việc lựa chọn danh mục đầu tư cũng như lĩnh vực mà SCIC có thể tham gia vào được, đảm bảo giữ được vốn nhà nước và đóng góp cho kinh tế - xã hội.
Mục tiêu của SCIC đến năm 2030 là trở thành nhà đầu tư của Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về điều này? Ông có thể cho biết thêm về mục tiêu phát triển của SCIC, những nội dung nào cần thực hiện để tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động?
Mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ được SCIC đặt ra ngay từ đầu và chúng tôi vẫn luôn theo đuổi để thực hiện điều này. Trong thời gian tới, SCIC phải sử dụng nguồn vốn đang có để thực hiện đầu tư, thể hiện rõ nét vai trò nhà đầu tư chính phủ.
Để làm được việc này, đầu tiên SCIC phải tự chứng minh bản thân mình bằng cách có đội ngũ quản lý, lựa chọn cơ hội đầu tư, triển khai việc đầu tư một cách có hiệu quả để tạo được lòng tin, độ tin cậy của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có liên quan.
Tiếp theo là phải lựa chọn danh mục, dự án, khoản mục đầu tư phù hợp trong khả năng quản trị của SCIC.
Cuối cùng là năng lực của SCIC trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy để phối hợp tham gia thực hiện các dự án đầu tư. Tôi nghĩ rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực cho hoạt động đầu tư và thể hiện được vai trò là nhà đầu tư chính phủ của SCIC.