Những kết quả trên, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, có được là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của ngành ngân hàng, kết quả hoạt động của SCB trong năm qua như thế nào, thưa ông?
Hoạt động của SCB trong năm qua tương đối ổn định và đạt các chỉ tiêu đề ra. Sau giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc, SCB đã từng bước ổn định và phát triển. Cụ thể, đến cuối năm 2014, tổng tài sản của SCB đạt 242.222 tỷ đồng; tổng tiền gửi của khách hàng đạt 198.505 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 134.005 tỷ đồng; nợ xấu giảm về 0,5%.
Năm 2014 cũng là năm SCB tiếp tục ưu tiên cho trích lập dự phòng để nâng cao năng lực tài chính theo chủ trương của NHNN. Kết thúc năm tài chính 2014, SCB đã hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đưa ra khi đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2013.
Để kiểm soát nợ xấu xuống mức thấp 0,5% vào cuối năm qua, SCB đã bán cho VAMC tổng số nợ xấu bao nhiêu?
Trong năm qua, SCB tiếp tục đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ xấu SCB đã bán cho VAMC là gần 12.000 tỷ đồng. Sau khi bán nợ xấu cho VAMC, SCB đã trích lập dự phòng đầy đủ cho trái phiếu đặc biệt nhận lại.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu cũng được đẩy mạnh, cho dù trước mắt chưa đạt được mức kỳ vọng, do thị trường còn khó khăn. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, SCB đã xử lý và thu hồi nợ được khoảng 2.000 tỷ đồng thông qua thu nợ, bán tài sản… Kế hoạch của Ngân hàng trong năm nay sẽ xử lý nợ xấu thu hồi nợ khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng mục tiêu kỳ vọng là khoảng 2.500 tỷ đồng và chúng tôi sẽ cố gắng đạt được con số này trong năm 2015.
Số nợ xấu bán cho VAMC lớn như vậy cũng đồng nghĩa với việc khoản dự phòng rủi ro SCB đã trích lập không hề nhỏ, thưa ông?
Khoản trích lập dự phòng của SCB tính đến cuối năm 2014 là hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng cho trái phiếu đặc biệt nhận lại sau khi bán nợ cho VAMC. Ngoài ra, SCB phải thoái lãi dự thu khoảng 1.500 tỷ đồng đối với các khoản nợ xấu bán cho VAMC nên đã tác động trực tiếp lên thu nhập của Ngân hàng.
Thêm vào đó, trong quá trình xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, SCB cũng giảm lãi, lãi quá hạn và lãi phạt đối với các khoản nợ quá hạn đều được miễn cho khách hàng. Thậm chí, một số trường hợp, SCB còn giảm lãi trong hạn. Tổng chi phí giảm, miễn lãi cho khách hàng trong quá trình xử lý nợ xấu của SCB thời gian qua tương đối lớn. Nhưng nếu SCB không giảm, miễn lãi suất, chia sẻ khó khăn với khách hàng thì sẽ khó thu hồi được vốn gốc.
Trích dự phòng rủi ro cao là lý do SCB chưa có chủ trương chia cổ tức, thưa ông?
Lợi nhuận cũng như các chỉ số tài chính khác của SCB năm vừa qua đạt kế hoạch. Tuy nhiên, do đang trong quá trình tái cơ cấu nên mục tiêu của SCB không phải là lợi nhuận và chủ trương này đã nhận được sự chia sẻ từ cổ đông. Điều quan trọng nhất là qua giai đoạn khó khăn này, SCB phải tự cân đối và cơ cấu lại để tạo nền tảng cho sự đột phá tiếp theo. Do đó, lợi nhuận chưa phải là vấn đề ưu tiên của SCB trong 2 năm vừa qua và thậm chí là trong 2 năm tiếp theo. SCB chưa có chủ trương chi trả cổ tức cho cổ đông, mà dành mọi nguồn lực tập trung cho tái cơ cấu, trích lập dự phòng, nhất là khi khoản dự phòng cho trái phiếu đặc biệt nhận lại sau khi bán nợ xấu cho VAMC tương đối lớn.
Có thể, trước mắt, các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ sẽ thấy thiệt thòi, nhưng về dài hạn, mọi việc sẽ tốt hơn. Đặc biệt, các cổ đông lớn đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của SCB nên tiếp tục mua cổ phần Ngân hàng trong 2 đợt tăng vốn năm 2013 và đầu năm 2015, trong đó có cả NĐT nước ngoài.
Xin ông cho biết tỷ lệ cổ phần NĐT nước ngoài nắm giữ tại SCB hiện tại?
Vốn điều lệ SCB sau khi hoàn tất đợt tăng vốn mới đây nhất là vào đầu năm 2015 đã đạt mức trên 14.000 tỷ đồng và SCB nằm trong Top10 NHTM có vốn điều lệ lớn trên thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất trong đợt tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vừa rồi là có sự tham gia của NĐT nước ngoài, qua đó, SCB đa dạng hóa được danh mục cổ đông.
Hiện tỷ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài tại SCB là vào khoảng 15%. Sự tham gia của NĐT nước ngoài sẽ giúp cho SCB có định hướng mới, tạo áp lực cho SCB trong việc minh bạch hóa và tạo tiền đề thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài. Đây là một điểm tích cực cho SCB trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay.
Các cổ đông nước ngoài hiện nay có thể trở thành đối tác chiến lược trong kế hoạch gọi thêm vốn ngoại của SCB trong thời gian tới?
Về nguyên tắc, đối với NĐT nước ngoài, đích cuối cùng vẫn là quyền kiểm soát, chứ không đơn thuần mua cổ phiếu. Với định hướng này, có khả năng mở ra các hướng hợp tác tiếp tục giữa SCB và các NĐT nước ngoài, trong đó không loại trừ việc NĐT ngoại sẽ gia tăng quyền sở hữu tại SCB. Trong khi đó, SCB là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo định hướng của Chính phủ, nếu muốn bán quyền chi phối cho NĐT nước ngoài cũng sẽ được xem xét để có thể đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.
Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần khi được NHNN chấp thuận không chỉ là mong muốn của Ngân hàng, mà còn là của cả phía các cổ đông ngoại. Trong giai đoạn trước mắt, khi SCB còn phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu, có thể kết quả kinh doanh thu về chưa như kỳ vọng, nhưng với NĐT nước ngoài họ đã nhìn thấy được tiềm năng tăng trưởng của SCB. Đó cũng là lý do để các NĐT nước ngoài rót vốn vào Ngân hàng.
Một số ngân hàng đang tính đến chuyện bán quyền kiểm soát cho NĐT chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ vượt 49%. SCB có tính đến khả năng này không, thưa ông?
Bản thân SCB đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho NĐT nước ngoài. SCB đang trong giai đoạn tái cấu trúc, do đó, việc thu hút được nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này phải chờ ý kiến từ Chính phủ và NHNN. Nhưng đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình tái cấu trúc ngành đúng hướng và hiệu quả nên chúng tôi cũng mong muốn được bán với tỷ lệ cao.
Trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay, việc thu hút vốn ngoại là điều không dễ. Theo ông, yếu tố quyết định trong các thương vụ bán cổ phần cho NĐT nước ngoài hiện nay là gì? Có phải là giá cả?
Tôi cho rằng, quan trọng vẫn là tìm được NĐT phù hợp và chiến lược đưa ra là để đẩy mạnh phát triển SCB trong thời gian tới. Sau đó, mới có thể xem xét đến yếu tố giá cả. Tthực tế, giá cả mua bán giữa NĐT thông thường và NĐT chiến lược cũng sẽ khác với việc bán quyền kiểm soát ngân hàng. Vì một khi NĐT nắm quyền kiểm soát là họ sẽ chi phối, quản trị Ngân hàng. Do đó, quan trọng nhất với SCB hiện nay là phải từng bước củng cố, đẩy mạnh tái cấu trúc, mở rộng hoạt động kinh doanh, ổn định bộ máy để khi có sự tham gia của NĐT nước ngoài, SCB ở vị thế tốt hơn trong quá trình thương thảo với đối tác nước ngoài.
Quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ liệu có bị ảnh hưởng nếu SCB được Chính phủ và NHNN chấp thuận kế hoạch thu hút thêm vốn nước ngoài theo kế hoạch trên?
Theo tôi, NĐT nhỏ lẻ sẽ không bị ảnh hưởng gì khi các cổ đông chiến lược nước ngoài mua cổ phần của SCB, vì việc này sẽ tạo ra mặt bằng giá tốt, tính thanh khoản cao cho cổ phiếu SCB. Điều này sẽ đền bù xứng đáng cho cổ đông nhỏ lẻ trong những năm qua không nhận được cổ tức, nếu họ muốn chuyển nhượng lại cổ phần.
Xin ông cho biết định hướng kinh doanh cụ thể của SCB trong năm nay?
Trong năm 2015, SCB sẽ tập trung xử lý nợ xấu, nợ được cơ cấu trong giai đoạn 2012-2014; cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng giảm chi phí huy động đầu vào; chủ động được nguồn vốn dài hạn và nguồn vốn có tính ổn định, bền vững cao.
Thứ hai, phát triển hoạt động kinh doanh một cách thận trọng và an toàn, đặc biệt là phát triển tín dụng mới để cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản, chú trọng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ và cho vay các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
Thứ ba, SCB tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng hiện đại, phù hợp với quy mô hoạt động của Ngân hàng đang ngày càng mở rộng và các chuẩn mực quốc tế
Thứ tư, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro đồng bộ, hiệu quả và chuyên nghiệp; từng bước áp dụng thông lệ quốc tế vào công tác quản lý rủi ro phù hợp với thực tiễn kinh doanh tại SCB.
Ngoài ra, SCB đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm – ngân hàng. SCB đã đẩy mạnh việc này bằng cách mua lại quyền chi phối tại Công ty Bảo hiểm Bảo Long với tỷ lệ sở hữu hơn 50% cổ phần, cũng như ký hợp tác chiến lược với Generali…
SCB phát triển tín dụng tập trung cho vay ngắn, dài hạn như: tài trợ vốn lưu động, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với cá nhân. Đồng thời, SCB từng bước điều chỉnh cơ cấu tài sản của Ngân hàng để nâng cao tính thanh khoản cũng như tăng cường mở rộng thị phần tăng trưởng dư nợ tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng SCB năm nay khoảng 18%, theo tôi là phù hợp, vì tín dụng năm 2015 có khả năng cải thiện tốt khi nhu cầu vốn doanh nghiệp trở lại.