Ông Võ Tấn Hoàng Văn

Ông Võ Tấn Hoàng Văn

“SCB sẽ bán cổ phần cho cổ đông ngoại khi nợ xấu về dưới 3%”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng hợp nhất Sài Gòn (SCB) khi trao đổi với ĐTCK.

>> SCB thay tổng giám đốc

Xin ông cho biết kế hoạch bán nợ xấu của Ngân hàng cho VAMC?

SCB rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu thông qua kênh VAMC, để kéo tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng xuống mức an toàn, đảm bảo hoạt động bình thường. Với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng xuống dưới mức 3% trong quý này, thời gian qua, SCB đã tích cực làm việc với VAMC để bán nợ xấu và điều đó đã chứng minh qua buổi lễ ký kết bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu của Ngân hàng cho VAMC ngày 11/10.

Tổng số 1.000 tỷ đồng nợ xấu SCB bán trong ngày 11/10 là của 15 doanh nghiệp. VAMC sẽ thanh toán cho SCB giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Nhưng không dừng lại ở con số này, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tiếp các khoản nợ xấu khác để bán gói nợ xấu thứ hai của mình cho VAMC, dự kiến sẽ diễn ra trong quý này.

 

Gói nợ xấu thứ hai mà SCB dự kiến sẽ bán cho VAMC có giá trị bao nhiêu, thưa ông?

Hiện chúng tôi đang trong quá trình xem xét, cân đối và tính toán các khoản nợ xấu, nên chưa thể nói được con số ở mức bao nhiêu.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của VAMC, cơ chế mua nợ của VAMC rất tốt và hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt là với bản thân SCB, sau hợp nhất và đang giai đoạn tái cấu trúc, VAMC đã tạo ra một kênh giúp Ngân hàng cơ cấu được một cách toàn diện tình hình tài chính và làm sạch bảng cân đối kế toán của mình. Điều này cũng sẽ giúp cho SCB có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài để tính đến việc thu hút thêm nguồn vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoại, nâng cao năng lực tài chính cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông có thể chia sẻ về tình hình tái cơ cấu của SCB sau gần 2 năm hợp nhất?

Sau gần 2 năm hợp nhất, quá trình tái cơ cấu của SCB đến giai đoạn này đã đạt được những cột mốc đáng kể. Đến cuối tháng 9/2013, SCB đã trả nợ xong khoản tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, SCB cũng hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng, với tổng số vàng huy động cần tất toán lên tới 9 tấn. Đối với các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng, SCB cũng đã thương thảo với các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước để được cơ cấu lại các khoản nợ, gia hạn nợ, với mức lãi suất phù hợp hơn.

Tuy nhiên, kết quả to lớn nhất mà SCB đạt được trong hơn một năm qua là Ngân hàng đã thực sự trở thành một mái nhà thống nhất, vì như mọi người điều biết, với 3 ngân hàng hợp nhất thì vấn đề xung đột về văn hóa là khó tránh. SCB đã kiện toàn được bộ máy, thương hiệu, nâng cấp mạng lưới hoạt động, cán bộ nhân viên không phải cắt giảm. Quan trọng hơn đó chính là nợ xấu SCB đã được xử lý xuống mức thấp nhất.         

 

Vậy kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng đang được tiến hành ra sao, thưa ông?

Hiện chúng tôi có hai mục tiêu lớn là xử lý nợ xấu và tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp để nâng cao tiềm lực tài chính của Ngân hàng. Đặc biệt là với chủ trương nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài so với quy định hiện hành và thông tin mới nhất là có thể nâng “room” lên 49% cho cổ đông chiến lược ngoại tại các tổ chức tín dụng thì việc thu hút nhà đầu tư ngoại lại càng có cơ sở thuận lợi hơn. Kế hoạch của SCB là sau khi đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, chúng tôi sẽ xem xét đến việc thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tôi cho rằng, khi tỷ lệ nợ xấu của SCB xuống mức thấp sẽ tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn làm việc với SCB để tìm hiểu và mua cổ phần của Ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cũng như chờ các quy định về pháp lý mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài nên bản thân SCB vẫn muốn hoàn tất việc xử lý nợ xấu về dưới mức 3% trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại sẽ cao hơn. Việc bán cổ phần cho cổ đông ngoại sẽ được SCB triển khai trong thời gian sớm, nhanh, vì khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

>> SCB thay tổng giám đốc