Nhân viên của ông “mách”: “7h30 các sáng trong tuần, sếp gọi từng nhóm lên ăn sáng cùng trước khi họp chính thức. Gọi là ăn sáng cho “hoành tráng” chứ thực chất cũng là họp”. Ông nói gì về việc này?
(Cười lớn) Đúng là có câu chuyện như vậy từ nhiều năm nay. Trừ phi tôi đi vắng, còn nếu có mặt ở Hội sở Ngân hàng, thông qua thư ký, từng khối sẽ được tôi mời lên ăn sáng cùng. Chúng tôi tranh thủ thời gian ăn sáng để trao đổi nhanh về công việc trước khi cuộc họp chính thức diễn ra vào lúc 8h.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn
Thực tế, khối lượng công việc của Ngân hàng ngày một nhiều nên khi vào cuộc họp chính thức, thường tôi sẽ tập trung ngay vào công việc cần trao đổi, vướng mắc nếu có là những gì và phương án giải quyết như thế nào. Mọi việc diễn ra rất nhanh để chuyển sang công việc khác nên đôi khi tôi sẽ không có cơ hội được lắng nghe nhân viên chia sẻ ngọn nguồn những vướng mắc.
Việc ăn sáng cùng nhân viên giúp tôi có thời gian để được lắng nghe rồi từ đó rất nhiều vấn đề được giải quyết theo chiều hướng hợp lý hơn. Không chỉ vậy, ăn sáng cùng nhau cũng giúp tôi và nhân viên thay vì chỉ “lướt” qua nhau sẽ trở nên gắn bó, hiểu nhau hơn, do vậy giảm bớt khoảng cách giữa sếp và nhân viên.
Có phải nhờ vậy mà SCB đang ngày càng hoạt động kinh doanh tốt hơn, đặc biệt trong năm 2018?
Thực tế, năm 2018 chứng kiến những diễn biến khó lường với giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh, áp lực lạm phát gia tăng tại nhiều nước, đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt. Do vậy, ngân hàng trung ương các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo theo xu hướng tăng lãi suất và can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Chưa kể, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu.
Mặc dù thị trường tài chính tiền tệ thế giới năm 2018 có nhiều rủi ro và bất định gây khó khăn, tạo thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trong việc đạt các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Thị trường tiền tệ với các chính sách của NHNN được điều hành ổn định tạo nên một sân chơi ổn định cho các ngân hàng hoạt động, lãnh đạo các ngân hàng điều hành. Đó là yếu tố nền tảng hỗ trợ các ngân hàng, trong đó SCB có một năm kinh doanh tốt hơn.
“Gọi tên” những thành quả của SCB trong năm 2018, ông sẽ nhắc đến lĩnh vực nào?
Đó là việc tập trung vào những nền tảng công nghệ, kỹ thuật công nghệ để Ngân hàng có cơ sở vững chắc, lợi thế cạnh tranh trong thời gian dài sắp tới, bắt đầu từ với việc nâng cao hiệu quả trong việc điều hành, quản trị, song song với đó là kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng người lao động.
Trước kia, SCB lấy con người làm trọng tâm thì nay lấy công nghệ làm nền tảng để phát triển sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh, khả năng cung cấp sản phẩm, chất lượng tốt, giá thành thấp, thời gian nhanh…
Theo đó, Ngân hàng chú trọng vào các hoạt động đầu tư phát triển công nghệ, đặc biệt là dự án nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (core banking) và ngân hàng điện tử (digital banking). Từ đầu năm 2018, nền tảng cơ bản của SCB đã được đầu tư, xây dựng, nâng lên một tầm mới và làm bệ phóng cho năm 2019 như: Triển khai Oracle FLEXCUBE 12.3 phiên bản mới nhất của Oracle được nâng cấp trong vòng 1 năm - một thời gian kỷ lục, hệ thống phòng chống rửa tiền hay triển khai thành công dự án Treasury - FIS Front Arena…
Năm 2018 là năm bứt phá của SCB với tổng tài sản tăng; định vị thương hiệu - nhận diện hình ảnh trên thị trường tốt; đời sống cán bộ nhân viên được cải thiện… Có thể khẳng định các mục tiêu trong năm 2018 của SCB đặt ra từ đầu năm đều đã đạt được.
Một vấn đề thị trường rất quan tâm đến SCB là câu chuyện nợ xấu. Thời gian qua, Ngân hàng đã xử lý nợ xấu đến đâu?
Mặc dù việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng việc xử lý nợ xấu qua VAMC vẫn phát huy vai trò quan trọng, là điểm dừng để các tổ chức tín dụng có thời gian tích tụ tài chính để xử lý nợ xấu. SCB cũng tương tự như các ngân hàng khác bán nợ cho VAMC, giúp nợ xấu của Ngân hàng hiện ở mức thấp và tạo điều kiện tích tụ tài chính xử lý nợ xấu trong những năm tới.
Tính đến ngày 31/12/2018, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ của SCB tiếp tục được duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,61% và 0,42%. Nợ xấu sẽ vẫn là một phần của kinh tế thị trường, không có ngân hàng nào không có nợ xấu bởi kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, nhưng kinh doanh cũng để tích tụ tài chính để xử lý nợ xấu.
Có vẻ như chặng đường này đang trải bước trên hoa hồng…?
Không hẳn như vậy. Tình hình bất ổn của thế giới mặc dù mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo nhiều thách thức, tác động tới việc xác định một chiến lược định hướng rõ nét trong 3 - 5 năm tới, hay dài hơn 5 - 10 năm tới. Đây là điều khó, trăn trở của người làm chiến lược. Thị trường Việt Nam vẫn dựa trên bất động sản rất lớn và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong khi lĩnh vực bất động sản liên quan cả trực tiếp và gián tiếp đến hệ thống ngân hàng.
Nếu kinh tế vĩ mô với các chính sách như đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ… tốt hơn sẽ giúp tiến trình nâng cấp hệ thống ngân hàng nhanh hơn, bớt đi những lúng túng gây ra sự lãng phí không cần thiết. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khẳng định rằng, nền tảng trong nước cơ bản đã hóa giải được nhưng tác động bên ngoài, vốn là những điều rất khó dự đoán.
Về phía Ngân hàng, mọi việc cũng không phải đã hoàn hảo. 7 giờ 30 sáng bắt đầu công việc và kết thúc khoảng 9 - 10 giờ tối với gần 6 năm tại SCB, điều “ngốn” nhiều năng lượng của tôi nhất đó là năng lực của cán bộ nhân viên. Tại SCB, nhân viên có kỹ năng rất tốt nhưng những con người đóng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt còn thiếu và nếu điều này được giải quyết, tôi tin rằng, Ngân hàng sẽ tiến xa và nhanh hơn.
Tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai tại SCB bởi Ngân hàng thừa hưởng nguồn nhân viên từ sau hợp nhất nên sự “chuyển động” mất thời gian hơn. Câu chuyện nhân sự phải tiến hành dần dần với các chế độ nhân văn như đào tạo, hoán chuyển, sắp xếp sao cho tốt hơn.
Nếu nói về SCB trong năm 2019, ông sẽ chia sẻ điều gì?
SCB sẽ tập trung vào khách hàng là 100 triệu người dân Việt Nam, vốn đang còn rất nhiều người chưa được sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng tiếp tục khai thác digital banking, các sản phẩm bán lẻ ở quy mô sâu hơn, tinh tế hơn và lấy sự hài lòng trong trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm. Mục tiêu tăng trưởng khách hàng trong năm 2019 mạnh hơn khoảng 50% so với năm 2018. Còn nếu để nói ngắn gọn về SCB trong năm 2019 thì đây sẽ là một ngân hàng thân thiện và thấu hiểu.
Ngày cuối cùng của năm cũ đối với ông có gì đặc biệt?
Ngày cuối cùng của năm cũng như mọi ngày với 24 giờ, có chăng khác nhau ở chỗ nếu như trước kia khi ở Hà Nội ủ đầy trong bàn tay mùa đông ấm, thì nay ở TP.HCM nắng vàng rực rỡ khắp mọi con đường. 360 ngày đã qua là những hối hả, tất bật nên ngày cuối năm mọi lo toan, gánh nặng… tôi đều tạm dừng để được thấy những khoảnh khắc bình yên bên những người thân.
Dẫu vậy, sau giây phút giao thừa, tôi thường điểm lại một năm qua mình đã làm được gì và chưa làm được gì. Có năm là nhiều thành tựu, nhưng cũng có năm chỉ là một bước ngoặt trong cuộc đời và thậm chí có năm là cả những thất bại. Nhưng quan trọng không phải là tôi đã làm được hay đánh mất những gì, mà tôi đã nỗ lực những gì để không bao giờ phải hối tiếc.