Trước những thông tin về việc SCB chưa xử lý trọn vẹn nghĩa vụ tài chính đối với một số khoản nợ trên thị trường 2, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Như các bạn cũng biết, SCB được hình thành trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (Tinnghia Bank) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định vào ngày 26/12/2011. Dù có nhiều điểm thuận lợi sau hợp nhất, nhưng những tồn tại trước đây của 3 ngân hàng cũ để lại là một trong những thách thức không nhỏ đối với SCB, như vấn đề thị trường liên ngân hàng, giải quyết nợ xấu… Sau cuộc họp tại NHNN ngày 13/03/2013, các ngân hàng bạn và tổ chức tài chính đã thống nhất nguyên tắc chung để giải quyết vấn đề nợ thị trường 2 theo phương án đã được NHNN phê duyệt. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với các công ty mua bán nợ và tổ chức tài chính để xử lý triệt để và chúng tôi tự tin là có thể xử lý tốt tất cả các vấn đề trên.
Sau SCB, một số tổ chức tín dụng khác cũng đang tiến hành quá trình tái cơ cấu, trong đó có việc hợp nhất, sáp nhập. SCB đã trải qua quá trình này như thế nào?
Năm 2012 là năm khó khăn không chỉ của nền kinh tế Việt Nam mà cả kinh tế toàn cầu, hoạt động ngành ngân hàng vì thế cũng chịu ảnh hưởng chung, nhưng với một ngân hàng mới hợp nhất thì những khó khăn này lại được nhân lên gấp bội, như việc ổn định thanh khoản, niềm tin của khách hàng, cơ cấu quản trị cho đến việc ổn định nhân sự...Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cổ đông, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chia sẻ của các ngân hàng bạn và đối tác, SCB đã vượt qua giai đoạn thử thách khó khăn nhất của năm đầu tiên hợp nhất 2012, năm được xem là “bức tường lửa” để SCB có thể tồn tại và hồi phục. Vượt qua năm 2012, SCB tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu trong năm 2013. Hiện nay, chúng tôi đã đàm phán để đi đến thống nhất việc SCB có cổ đông nước ngoài tham gia vào quản trị, điều hành Ngân hàng trong thời gian tới. Từ đây, SCB sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài, nhằm tạo ra luồng vốn mới, góp phần cải thiện hoạt động của Ngân hàng.
Được biết, NHNN vừa có công văn chấp thuận cho SCB tăng vốn điều lệ. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Ngày 19/03/2013, NHNN có công văn chấp thuận cho SCB tăng vốn điều lệ từ 10.583 tỷ đồng lên 13.583 tỷ đồng theo kế hoạch tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 27/11/2012. Trước đó, vào ngày 21/02/2013, NHNN đã có công văn số 1072/NHNN-TTGSNH về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông SCB cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, kể từ ngày 27/02/2013, cơ cấu cổ đông của SCB sẽ có thêm thành phần là nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Việc tăng vốn điều lệ của SCB được thực hiện trong quý I/2013 đã cho thấy, cổ đông đặt niềm tin vào SCB và SCB đang trên đà phục hồi.