SBT: Thủ thuật đầu tư tay phải, cho vay tay trái?

SBT: Thủ thuật đầu tư tay phải, cho vay tay trái?

Đầu năm 2012, tổng giá trị cho vay cả ngắn lẫn dài hạn của SBT dành cho BAC vào khoảng 190 tỷ đồng. Mức lãi suất của SBT cho BAC vay không phải quá cao so với thị trường nhưng cũng không hề thấp.

Theo dõi báo cáo tài chính (BCTC) của CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) từ cuối năm 2010 đến cuối quý I năm nay, ngoài khoản đầu tư 245 tỷ đồng để nắm giữ 49% cổ phần của CTCP Bourbon An Hòa (BAC), SBT còn cho BAC vay một khoản tiền dao động trong khoảng 190-200 tỷ đồng. Như vậy, mối quan hệ giữa SBT và BAC không chỉ dừng lại ở việc liên kết kiểu cổ đông-doanh nghiệp mà còn là chủ nợ-con nợ.

 

Nhập nhằng lãi suất cho vay

SBT công bố bỏ ra 245 tỷ đồng để sở hữu 24,5 triệu CP, tương đương 49% vốn điều lệ (VĐL) của BAC, từ đây có thể tính toán ra được VĐL của BAC là 500 tỷ đồng. Gần 200 tỷ đồng BAC vay từ SBT, tương đương với 40% VĐL của BAC, có thể thấy đây là một khoản vay không nhỏ.

Khoản tiền này cũng chiếm tỷ trọng gần 7% tổng tài sản vào khoảng 3.000 tỷ đồng, gấp 2 lần lợi nhuận sau thuế quý I-2012 và tương đương 14% VĐL hơn 1.400 tỷ đồng của SBT, tính đến ngày 31-3-2012.

Đây cũng là khoản tiền không nhỏ, bởi lẽ trong công tác kiểm toán, 0,5% tổng tài sản cũng có thể gán cho mức độ “trọng yếu”, nhưng để nhận diện không hề đơn giản. Trong BCTC SBT công bố giá trị các khoản cho vay nhưng lại không nêu cụ thể lãi suất bao nhiêu, nên NĐT có muốn cũng chỉ có thể ước đoán.

Đầu năm 2012, tổng giá trị cho vay cả ngắn lẫn dài hạn của SBT dành cho BAC vào khoảng 190 tỷ đồng. Không bàn đến việc lời hay lỗ khi đầu tư vào BAC, nhưng trong BCTC quý I-2012 của SBT nêu ra: “Lãi cho vay từ bên liên quan” là 10,45 tỷ đồng, lấy con số này chia cho 190 tỷ đồng sẽ cho ra mức lãi suất khoảng 5,5%/quý, tương đương 22%/năm. Tại thời điểm quý I-2012, mức lãi suất của SBT cho BAC vay không phải quá cao so với thị trường nhưng cũng không hề thấp.

Một chi tiết khác cũng rất đáng lưu ý là vào đầu năm 2011,  tổng cho vay của SBT dành cho BAC xấp xỉ 194 tỷ đồng. Năm 2011, lãi suất cho vay của ngân hàng với thời hạn từ 12 tháng đổ lại là 17-18%/năm. Giả sử SBT cho BAC vay đúng giá thị trường, tiền lãi thu về cũng ở mức 33-35 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản “lãi cho vay từ bên liên quan” của SBT chỉ gần 6 tỷ đồng. Nếu lấy 6 tỷ đồng chia cho 194 tỷ đồng thì lãi vay của SBT dành cho BAC chỉ là… 3%/năm.

Nhưng một điểm đáng chú ý ở đây là trong khoản mục “phải thu khác” của SBT có phần lãi cho vay gần 51 tỷ đồng. Lấy 51 tỷ đồng chia cho 194 tỷ đồng, mức lãi suất lên đến hơn 26%/năm, phù hợp hơn với tình hình lãi suất cho vay trong năm 2011. Đến đây, sẽ có câu hỏi đặt ra là phải chăng khoản 51 tỷ đồng này mới chính là tiền lãi thực của SBT khi cho BAC vay và vì một lý do nào đó mà SBT tạm “gác” tại BAC?

 

Thủ thuật kế toán

Mặc dù những tính toán trên đây mới chỉ dừng ở mức độ giả định, nhưng nó cũng cho thấy 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, từ 2 “gọng kìm” trong mối quan hệ với SBT, BAC chỉ còn 1 quan hệ là con nợ-chủ nợ. Về lý mà nói, nếu SBT chưa thu về những khoản tiền đã cho BAC vay, thì diễn biến sau khi thay đổi cổ đông lớn cũng cần phải lưu ý.

Bỏ qua những rủi ro kiểu như BAC chây ì không trả nợ hoặc công ty gặp những biến cố như giải thể, phá sản, với trường hợp SBT tiếp tục cho BAC vay, nhiều khả năng lãi suất sẽ phải sát với giá thị trường hơn, từ đó tiền lãi thu về có thể không bằng giai đoạn trước.

Thứ hai, trường hợp vừa đầu tư lại vừa cho vay như của SBT với BAC không hề xa lạ, thậm chí đã xuất hiện ở nước ngoài từ rất lâu. Ở góc độ tích cực, các động thái này sẽ giúp cho phía đầu tư (đồng thời là chủ nợ) chủ động hơn trong việc kiểm soát đồng vốn của mình.

Ở đây cũng có thể xuất hiện rủi ro là nếu doanh nghiệp “có chuyện” thì cổ đông lớn mất trắng, nhưng khả năng này khó xảy ra khi sự kiểm soát rất chặt chẽ. Bởi SBT mặc dù chỉ nắm 49% tại BAC, nhưng với việc cho vay thêm một số tiền lớn như vậy mối quan hệ liên kết nhìn từ bên ngoài hoàn toàn có khả năng thâu tóm để trở thành công ty mẹ. Trong trường hợp BAC trở thành công ty con thì việc phải chấp thuận ý của “mẹ” là điều khó tránh khỏi.

Thứ ba, những quy định về hạch toán trên BCTC vẫn chưa thực sự chặt chẽ đến mức buộc doanh nghiệp phải minh bạch hóa tất cả những nghiệp vụ, cho dù ở một góc độ nào đó có thể xem như trọng yếu. Điều này cũng có thể tạo ra những kẽ hở cho những thủ thuật kế toán xuất hiện, nhằm “uốn nắn” kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cổ đông.

Doanh nghiệp muốn lãi ít, treo lợi nhuận ở công ty "sân sau", đến khi muốn lãi nhiều thì kéo khoản này về. Nhưng nhận diện và giải quyết việc này không hề đơn giản. Giả sử: BAC làm ăn thuận lợi, có thể chia lợi nhuận về cho SBT, tất nhiên cổ đông của SBT sẽ được hưởng lợi.

Nhưng nếu ban lãnh đạo SBT “không muốn” thì hoàn toàn có thể đưa ra lãi suất cao (thỏa thuận) đối với các khoản vay của BAC, từ đó đẩy chi phí tăng, lợi nhuận giảm. Với cách này, SBT vẫn có thể có lãi từ các khoản cho vay và “để dành” cho các mục đích khác.