Quyết định mua lại cụm công nghiệp mía đường của Hoàng Anh Gia Lai giúp SBT tăng từ 60 - 70% công suất cũng như tổng diện tích vùng nguyên liệu.
Một cơ hội lớn đang mở ra với SBT trong bối cảnh nhu cầu đường đang thiếu hụt ở châu Á và trên toàn thế giới. Sở hữu nhà máy đường hiện đại và lớn nhất Nam Lào, SBT cũng sở hữu luôn thị phần tại Lào với 50 - 60% sản lượng tiêu thụ tại thị trường này. Phần còn lại, ngoài lượng xuất khẩu sang Việt Nam được bán sang Campuchia và Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, HAG vốn không có nhiều kinh nghiệm trong ngành đường lại đang gặp khó khăn về vốn, nhưng vẫn vận hành cụm công nghiệp mía đường hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu tới 35 - 40% trong mấy năm qua. Điều đó cho thấy, giá thành đường của nhà máy hoàn toàn cạnh tranh được ở thị trường khu vực và quốc tế do áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng mía đến thu hoạch, sản xuất trên vùng nguyên liệu tập trung diện tích lớn. Ước tính, giá trồng một tấn mía nguyên liệu tại Lào của HAG chỉ bằng một phần ba so với trong nước.
Việc cơ giới hóa giúp chi phí trồng mía nguyên liệu thấp hơn nhiều
SBT là doanh nghiệp đã có hàng chục năm kinh nghiệm phát triển trong ngành đường không chỉ am hiểu về sản xuất, mà còn mạnh về phân phối, phát triển sản phẩm.
Ở Việt Nam, SBT hiện đang giữ vị thế số 1 ở thị trường trong nước với thị phần lớn, đặc biệt chiếm tới 90% thị phần tại miền Nam. Với năng lực hiện có cộng với sở hữu cụm công nghiệp mía đường tại Lào, đồng thời với phát triển vùng nguyên liệu tại Campuchia và đẩy mạnh đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, SBT đã hoàn thành nền móng vững chắc để vươn ra mở rộng thị phần ở Lào, Campuchia và một số thị trường xuất khẩu khác, trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành mía đường khu vực Đông Dương, trong một ngày không xa.
Còn đối với các cổ đông, hiệu quả thấy ngay sau khi mua nhà máy tại Lào, SBT sẽ tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng doanh thu và khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận trong năm tới. Lợi nhuận cụ thể còn tăng lên khi SBT đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cũng như kết nối cụm công nghiệp này với những giá trị riêng có của mình.
Các sản phẩm của SBT
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, sau khi tiếp nhận nhà máy công suất 7.000 tấn và vùng nguyên liệu 6.000 ha, SBT sẽ đầu tư nâng công suất nhà máy lên 9.000 - 10.000 tấn mía/ngày; đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 12.000 - 15.000 héc-ta. Tích hợp chuỗi giá trị từ trồng đến phân phối, giá thành đường có thể ngang bằng giá đường Thái Lan khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, thậm chí còn có thể thấp hơn.
Nhà máy sản xuất được đường thô hay đường RS nên SBT điều phối sản xuất linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Ở thời điểm này, nhu cầu trong nước thiếu hụt, SBT có thể nhập đường thô về tinh chế trong nước.
Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đặt mục tiêu vươn tầm khu vực là chiến lược SBT theo đuổi và đã từng bước chuẩn bị kỹ càng về nguồn vốn và nhân sự để thực hiện thành công. Năm 2015, SBT đã nhận sáp nhập CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), qua đó mở rộng quy mô khi cộng thêm 11.000 héc-ta vùng nguyên liệu cùng nhà máy đạt công suất khoảng 6.000 tấn mía/ngày. Tổng công suất sản xuất của SBT sau nhận sáp nhập SEC tăng từ 9.800 tấn mía/ngày lên khoảng 16.000 tấn mía/ngày, với vùng nguyên liệu tăng từ 13.000 ha lên tổng diện tích 25.000 ha.
Sau sáp nhập, vùng nguyên liệu của SBT tăng từ 13.000 ha lên tổng diện tích 25.000 ha.
Lợi thế quy mô này giúp giá thành đường của SBT cạnh tranh hơn và khẳng định vị thế dẫn đầu ngành ở thị trường nội địa. Phải nói thêm rằng, SBT sẽ phát triển theo mô hình của các nước có ngành mía đường phát triển như Brazil, Thái Lan là phát triển đường và các sản phẩm phụ như bioethanol và điện đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Tuy nhiên, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu tập trung diện tích lớn ở trong nước là rất khó khăn, chưa kể đầu tư trồng mới sẽ tốn chi phí hơn nhiều so với việc mua lại nhà máy với vùng nguyên liệu sẵn có. Chính vì thế, quyết định mua lại cụm công nghiệp mía đường của Hoàng Anh Gia Lai, để tăng từ 60 - 70% công suất cũng như tổng diện tích vùng nguyên liệu, có thể xem là quyết định khôn ngoan của SBT để tăng tốc phát triển. Đến 2018, hạn ngạch thuế quan ngành đường sẽ xóa bỏ theo cam kết WTO. SBT đã sẵn sàng để biến thách thức hội nhập thành cơ hội lớn, hiện thực hóa ước mơ vươn lên hàng đầu ở Đông Dương.