Công ty Dịch vụ Đầu tư quốc tế (ADMISI) London nhận định, thị trường đường thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm trong niên vụ 2019 - 2020 sau 2 năm dư thừa nguồn cung, do Brazil và EU sẽ cắt giảm sản lượng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đường và mía của Thái Lan (một đối thủ nặng ký của ngành mía đường Việt Nam) được dự báo sẽ giảm trong năm mùa vụ 2018 - 2019 do nhu cầu tiêu thụ giảm và các nhà sản xuất đồ uống không cồn sử dụng ít đường hơn, sau khi quốc gia này thông qua chính sách thuế đối với đồ uống có đường.
Cơ quan Quản lý mía và đường (OCSB) Thái Lan cho biết, xuất khẩu đường của Thái Lan dự báo giảm 40 - 50% trong năm 2019, vì vụ mía đã được cam kết sử dụng cho kế hoạch ngành hóa sinh.
Trong tháng 10/2018, giá đường trên thế giới liên tục tăng. Giá đường trắng thế giới giao sau tháng 12/2018 có lúc tăng hơn 26% so với mức đáy vào cuối tháng 8, trở lại mức giá của những tháng đầu năm.
SBT đặt mục tiêu 680 tỷ đồng lợi nhuận
Tháng 9/2017, SBT chính thức hoàn thành thương vụ sáp nhập Đường Biên Hòa (BHS), một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn nhất trong ngành đường Việt Nam, trở thành công ty dẫn đầu ngành trên mọi phương diện. Với ưu thế về công nghệ, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ của SBT trước khi sáp nhập), cộng hưởng cùng thương hiệu lâu năm, hệ thống phân phối, danh mục khách hàng cũng như chuỗi giá trị ngành đường của BHS, SBT đã chiếm lĩnh hơn 40% thị phần tại thị trường đường Việt Nam và 7 thị trường xuất khẩu bao gồm Trung Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Singapore, Mỹ, Kenya và mới đây nhất là châu Âu.
Niên độ 2018 - 2019, Ban lãnh đạo SBT đề xuất kế hoạch tăng trưởng đảm bảo cả 2 yếu tố hợp lý và thận trọng trong bối cảnh ngành đường vẫn còn nhiều biến động: sản lượng tiêu thụ 846.733 tấn, tăng 64% so với kế hoạch và tăng 48% so với thực hiện niên độ 2017 - 2018; doanh thu 11.545 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch và tăng 12% so với thực hiện niên độ 2017 - 2018; lợi nhuận trước thuế 680 tỷ đồng, tương đương niên độ 2017 - 2018 (năm tài chính của SBT bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau).
Phương án phân phối lợi nhuận
Trong lần lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản gần nhất, ngày 18/10/2018, SBT đã thông qua việc chi trả cổ tức niên độ 2016 - 2017 với tỷ lệ 6% bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ khi được thông qua (trước ngày 18/4/2019) và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 4% trước ngày 31/12/2018.
Tuy nhiên, trong phương án phân phối lợi nhuận niên độ 2017 - 2018 tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần này, SBT quyết định trình đại hội thông qua việc trả thêm 4% cổ tức bằng tiền mặt, nâng tổng mức chi trả cổ tức cho niên độ 2017 - 2018 lên 8%, tương đương số tiền hơn 408 tỷ đồng.
Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của niên độ 2017 - 2018 là 732 tỷ đồng, sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển (10%), Công tác xã hội (2%), Khen thưởng, phúc lợi (10%); thưởng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành do vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất (115 triệu đồng); kinh phí hoạt động Hội đồng quản trị (4 tỷ đồng).
Niên độ 2018 - 2019, SBT dự kiến chi trả cổ tức từ 6 - 10%; trích lập các quỹ 22%, kinh phí hoạt động Hội đồng quản trị tương đương niên độ trước, nếu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch, Hội đồng quản trị và Ban điều hành sẽ được thưởng 5% phần vượt, nhưng không quá 1 tỷ đồng.
Nhìn lại quá trình chi trả cổ tức của SBT, trong những giai đoạn ngành đường khởi sắc, Công ty duy trì mức cổ tức cao, từ 15 - 35% bằng tiền mặt. Song ngay cả khi thị trường không thuận lợi, SBT vẫn nỗ lực đảm bảo khoản đầu tư của cổ đông, nhà đầu tư có thể sinh lời hợp lý, khuyến khích sự đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, trong khi cả thị trường khép lại tháng 10/2018 với nhiều khó khăn, thì cổ phiếu SBT thể hiện 1 tháng giao dịch tích cực khi niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư đối với Công ty được duy trì, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong tháng 10, khối ngoại mua ròng 7,6 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 158 tỷ đồng.
Phiên 5/11/2018, giá cổ phiếu SBT đạt 21.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cao nhất ngành với 3,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng. SBT là một trong những công ty có giá trị vốn hóa đầu ngành với 10.651 tỷ đồng, tương đương 465 triệu USD.