SBS đề xuất được ra khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt

SBS đề xuất được ra khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt

(ĐTCK) SBS vừa có văn bản đề xuất Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt.

>> SBS nhen nhóm phương án hồi sinh

>> SBS: Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng gần 95%  

Sau gần 2 năm nỗ lực tái cấu trúc, 2 tháng chạy đua cao điểm, đến ngày 11/10/2013, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên mức trên 180%, đồng thời xóa bỏ tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Với kết quả này, Công ty đã có văn bản đề xuất Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt.

Theo nội dung công văn gửi UBCK chiều ngày 11/10/2013, SBS đã nâng được tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên mức 188,53%, vượt so với yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn khả dụng để UBCK xem xét đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt là 150%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, SBS còn phải đảm bảo yêu cầu 3 tháng liên tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức không thấp hơn 150%. Như vậy, nhanh nhất đến ngày 11/1/2014, SBS sẽ được ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Quang Thành, Phó tổng giám đốc SBS cho biết, sau quá trình tái cấu trúc liên tục tài sản và nợ phải trả, SBS đã đưa cơ cấu tài sản về mức tối giản. Đồng thời, Công ty cũng theo đó giảm mạnh các khoản phải thu, phải trả, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, giảm tổng giá trị rủi ro. “Với việc tái cấu trúc này, SBS đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Hiện nay, vốn chủ sở hữu của Công ty đã lên mức hơn 320 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản hiện tại cũng đảm bảo cho SBS duy trì tình trạng an toàn tài chính này và cải thiện dần lên theo thời gian”, ông Thành nói.

So với thời điểm kết thúc quý II/2013, SBS đã tiến được chặng đường khá dài trong việc đưa Công ty thoát khỏi vực thẳm khó khăn. Tại ngày 30/6/2013, SBS có vốn chủ sở hữu âm hơn 239 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng chỉ đạt 12,7%. Bí quyết thành công chủ yếu của việc tái cấu trúc chính là Công ty tích cực thu hồi các khoản phải thu, xử lý triệt để các khoản đầu tư tài chính, đồng thời thực hiện tái cấu trúc nợ.

Nói về nguyên nhân tăng mạnh chỉ tiêu lợi nhuận và tỷ lệ an toàn vốn khả dụng, ông Thành cho biết: “Nhiều khoản phải thu, khoản đầu tư tài chính về bản chất, SBS không chịu rủi ro, nhưng trong quá khứ vẫn phải hạch toán trích lập dự phòng để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc kế toán. Vì thế, khi chúng tôi thực hiện tất toán các khoản này, cơ cấu tài sản, nguồn vốn ngay lập tức thay đổi mạnh, theo hướng giảm các tài sản rủi ro, giảm vay nợ, đồng thời ghi nhận lãi vì hoàn nhập dự phòng”.

Đến thời điểm này, SBS dường như là trường hợp CTCK đầu tiên tự tái cấu trúc thành công thông qua tái cấu trúc tài sản, nguồn vốn, hoạt động. Từ vực thẳm của thua lỗ, sự sống của SBS đang được hồi sinh trở lại.