NLĐ: SBS mắc một loạt sai phạm
Trong đơn gửi tới một số cơ quan chức năng và Báo ĐTCK, 6 nhân viên cũ của CTCP Chứng khoán Sacombank (SBS) vừa bị buộc thôi việc tố cáo Công ty mắc một loạt sai phạm trong đợt cắt giảm 50 nhân sự vào tháng 12/2011.
Theo tường trình, nhóm sai phạm đầu tiên của SBS là vi phạm Điều 38 Bộ luật Lao động: chỉ thông báo trước đúng 5 ngày cho người lao động (NLĐ) để bàn giao công việc và nghỉ việc bắt buộc; không công khai danh sách CBCNV định biên; không công khai quyền lợi các khoản trợ cấp cho nhân viên nghỉ việc; không có sự thỏa thuận, nhất trí của Ban chấp hành công đoàn cơ sở về việc cho NLĐ nghỉ việc hàng loạt…
Trước sự bất lực của công đoàn cơ sở, sự cố tình vi phạm của SBS, NLĐ đã phải chấp thuận quyết định nghỉ việc do Công ty đưa ra mà không rõ quyền lợi liên quan được giải quyết đến đâu. Trong khi đó, vào tháng 6/2011, SBS đã cho 90 nhân viên nghỉ việc nhằm tinh giảm nhân sự nhưng lại áp dụng Điều 38 Bộ luật Lao động.
Theo tố cáo của NLĐ, nhóm sai phạm thứ 2 của SBS là việc cố tình trì hoãn, chiếm đoạt khoản trợ cấp mất việc/thôi việc của NLĐ tại thời điểm cuối năm. Cụ thể, SBS ra tới hai quyết định nghỉ việc với CBCNV (ngày 2/12 và 26/12/2011), sau hơn một tháng NLĐ chính thức bị buộc thôi việc, SBS đã cố tình không thanh toán, chiếm đoạt khoản tiền trợ cấp. Khi NLĐ liên hệ với Công ty thì nhận được công văn phản hồi, theo đó, SBS không thanh toán khoản trợ cấp theo Điều 43 Bộ luật Lao động. Nhưng theo NLĐ, SBS chưa công bố thông tin phá sản, giải thể hay gặp sự cố nghiêm trọng bất khả kháng nào khác, nên việc vận dụng điều khoản này nhằm chiếm đoạt tiền trợ cấp mất việc của NLĐ là trái luật.
Bên cạnh các cáo buộc liên quan đến việc SBS cho NLĐ nghỉ việc không đúng luật, lá đơn cũng đề cập tới việc SBS đã bổ nhiệm “chui” một loạt phó TGĐ, không đủ năng lực, không đáp ứng các quy định hiện hành, không công bố thông tin bổ nhiệm với cơ quan chức năng.
Kết thúc lá đơn, những người đứng tên trong đơn bày tỏ nguyện vọng được các cơ quan chức năng can thiệp, các cơ quan thông tấn lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
SBS phản hồi gì với những cáo buộc?
Để rộng đường dư luận và có cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan đến bạn đọc, ĐTCK đã tiếp xúc với SBS. Đại diện Công ty thừa nhận có một số sự việc như đơn phản ánh, nhưng ở một góc độ khác hẳn. Về vấn đề thứ nhất, sự khác biệt giữa hai đợt tinh giảm nhân sự vận dụng Điều 17 và 38 Bộ luật Lao động, SBS cho biết, do cán bộ nhân sự và pháp chế tiến hành nhưng hai đợt là hai đối tượng nhân viên khác nhau. Theo SBS, tố cáo của NLĐ là SBS không công khai danh sách NLĐ bị cắt giảm và Công đoàn cơ sở bất lực là không chính xác. Cụ thể, ngày 24/11/2011, SBS đã công khai danh tính 39 CBCNV tại Hà Nội và TP. HCM bị cho nghỉ việc từ tháng 12/2011. Trong cuộc họp công bố thông tin này, có 3 nhân viên tại TP. HCM vắng mặt và có sự tham gia của đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Về vấn đề thứ hai, SBS cho biết, việc tinh giảm nhân sự nằm trong kế hoạch thu hẹp hoạt động, cắt giảm chi phí do các khó khăn khách quan từ TTCK và những vấn đề nội tại của SBS. Để hỗ trợ cho NLĐ nghỉ việc vào thời điểm cuối năm, bên cạnh việc chi trả các khoản trợ cấp mất việc theo quy định, SBS cố gắng trả thêm lương và đóng bảo hiểm cho NLĐ hết tháng 12/2011. Nhưng để thực hiện nghĩa vụ cho các nhân viên nghỉ việc, SBS không thể sử dụng quyết định thôi việc ngày 2/12 để đóng được bảo hiểm, nên có thêm quyết định nghỉ việc ngày 26/12 chỉ nhằm hợp lý hóa thủ tục.
SBS phản ánh, trong số các nhân viên bị buộc nghỉ việc, có một số người đến nay chưa nhận được trợ cấp mất việc do có dư nợ tín dụng từ vài chục tới vài trăm triệu đồng. Phần lớn đây là các khoản vay trong hợp đồng 3 bên giữa NLĐ - SBS - Công ty Tài chính Thăng Long để CBCNV có điều kiện tham gia đợt IPO của Công ty trước đây. Khi cho NLĐ nghỉ việc, SBS đã thông báo với Công ty Tài chính Thăng Long và được đối tác đề nghị hỗ trợ thu hồi giúp các khoản tín dụng này.
Về cáo buộc bổ nhiệm nhân sự “chui”, SBS cho biết, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, vì vậy, bộ máy điều hành mới được xây dựng chỉ có chức danh Tổng giám đốc và các giám đốc nghiệp vụ phía dưới hỗ trợ, không có các chức danh Phó TGĐ như một số CTCK khác. Vì vậy, cáo buộc này không có cơ sở.
Được biết, Sở Lao động Thương binh Xã hội TP. HCM và một số cơ quan chức năng đã làm việc với SBS để tìm hiểu thông tin và giải quyết vụ việc. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.