Thị trường nội chật chội
Cho đến thời điểm này, nguy cơ vỡ một loạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 của SBIC đang dần hiển hiện.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến hết tháng 6/2016, giá trị sản xuất công nghiệp đóng tàu của SBIC chỉ đạt 2.137 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm; trong đó, Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại đạt 1.455 tỷ đồng, bằng 27,4% kế hoạch năm.
Đây là kết quả rất đáng quan ngại nếu biết rằng, SBIC đã lên kế hoạch đạt giá trị sản xuất cho năm 2016 là 7.858 tỷ đồng; doanh thu và thu nhập khác đạt 7.347 tỷ đồng. Không còn các tàu biển cỡ lớn tải trọng hàng chục ngàn DWT, người khổng lồ trong ngành đóng tàu ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.
“Thị trường đóng tàu trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do đó việc xúc tiến thương mại để ký hợp đồng không như dự kiến ban đầu”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết.
Từ 2 năm nay, các đơn hàng chính của SBIC là các dự án đóng tàu sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, năm nay, do việc cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nhiều dự án đóng mới tàu của các đơn vị đã giãn tiến độ theo kế hoạch bố trí vốn; chương trình đóng tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP, do vướng mắc về cơ chế như thuế VAT, bảo lãnh… nên việc triển khai ký hợp đồng của các đơn vị không theo được kế hoạch đề ra.
Ngay cả khi những vướng mắc này được tháo gỡ, SBIC cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân vốn cũng đang quay quắt vì thiếu việc làm đang diễn ra trên diện rộng trong ngành đóng tàu.Từ 2 năm nay, các đơn hàng chính của SBIC là các dự án đóng tàu sử dụng vốn ngân sách.
Với lực lượng lao động lên tới 14.000 người, năng suất lao động của SBIC hiện rất thấp, chỉ loanh quanh khoảng 80 triệu đồng/người/quý, khiến bài toán duy trì thu nhập hàng tháng 6,2 triệu đồng/người đề ra vào đầu năm thực sự là một áp lực lớn cho lãnh đạo Tổng công ty.
Tính đến hết quý I/2016, Tổng công ty đang nợ lương 80 tỷ đồng. Nợ hơn 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chưa bao gồm tiền khoanh nợ là 224,2 tỷ đồng). Trong đó, hầu hết các đơn vị đều có nợ như Phà Rừng, Đà Nẵng, Bạch Đằng...
Chỉ dám ngóng gia công ở thị trường quốc tế
SBIC không cho biết là liệu có tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhưng với các đợt chào hàng với đối tác Nga (tàu đa năng 5.190 tấn; container 700 TEU); Samsung C&T (tàu chở than 30.000 DWT) chưa đem lại kết quả cụ thể, nhiều khả năng “ông lớn” này sẽ phải sớm báo cáo Bộ chủ quản hạ một loạt chỉ tiêu quan trọng, trong đó có doanh thu và lợi nhuận.
“Mặc dù việc tìm kiếm đối tác chấp nhận hình thức này là hết sức khó khăn vì rất ít khách hàng chịu gánh phần lớn rủi ro của gói thiết bị, vật tư cho nhà máy đóng tàu, trong khi họ có nhiều lựa chọn đóng tàu hoàn chỉnh từ các quốc gia khác, nhưng trước mắt SBIC vẫn phải tập trung tiếp thị mô hình này và nắm bắt mọi cơ hội khi có khách hàng quan tâm”, ông Sự cho biết.
Liên quan tới công tác tái cơ cấu, SBIC nhận định, việc cổ phần hóa 7 nhà máy đóng tàu thuộc diện giữ lại là Hạ Long, Phà Rừng, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Thịnh Long, Cam Ranh, Bạch Đằng, Hàng hải Sài Gòn đang bị vướng do các đơn vị này đều đang âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị âm vốn chủ sở hữu rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Sự, việc thực hiện giải thể các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tất cả các đơn vị đều kinh doanh thua lỗ hoặc đã ngừng hoạt động. Thậm chí, nhiều đơn vị giải thể hiện nay không có kinh phí để duy trì bộ máy phục vụ cho công tác giải thể.
Cũng theo SBIC, tuy sản phẩm, giá trị sản xuất và doanh thu trong các năm 2013, 2014, 2015 và quý I/2016 đều cao hơn năm trước, nhưng Tổng công ty vẫn tiếp tục lỗ do thực hiện tái cơ cấu nợ, chi phí phải trả lãi vay cao và chênh lệch tỷ giá là do từ các khoản nợ cũ đem lại, thanh lý nguồn tài sản, vật tư, thiết bị tồn đọng, hư hỏng không có nhu cầu sử dụng...