Tàu mẫu chụp mực vỏ thép số 01 - thiết kế V016, do Công ty CP Kỹ thuật đóng tàu Việt Nam (Visec) thiết kế, Công ty CP CNTT Sông Đào (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy-SBIC) đóng mới và hoàn thành sau 5 tháng thi công.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tiền thân là Tập đoàn Vinashin vừa hoàn tất bản báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014.
Theo đánh giá của SBIC, năm 2014 vẫn là một năm tiếp tục khó khăn và thách thức đối với ngành đóng tàu. Thị trường vận tải đã có dấu hiệu phục hồi nhưng dường như các đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa tiếp cận được với các đơn vị đóng tàu của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức tín dụng vẫn thắt chặt nguồn vốn cũng là nguyên nhân tạo ra những yếu tố bất lợi cho các đơn vị đóng tàu, một số hợp đồng đóng tàu đã ký trước đây bị chủ tàu hủy bỏ, giãn tiến độ, trì hoãn thời gian bàn giao.
"Thị trường đóng tàu năm 2014 của Tổng công ty chủ yếu là đóng tàu cho Damen, Bộ Tư lệnh hải quân và tàu cá", ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC cho biết.
Vì vậy, chỉ có doanh thu và giá trị sản xuất là hai chỉ tiêu hiếm hoi mà anh cả của ngành đóng tàu Việt Nam đã cán đích thành công.
Cụ thể, về giá trị sản xuất, năm qua toàn tổng công ty ước đạt 5.700 tỷ đồng- tương đương con số năm ngoái.
Trong đó nguồn thu chủ yếu được mang về từ hoạt động chính là đóng mới và sửa chữa tàu. Năm 2014, số tàu được bàn giao gồm 76 chiếc với giá trị thu về hơn 200 triệu USD. Số tàu xuất khẩu 33 chiếc với giá gần 34 triệu USD. Phần còn lại đóng theo các đơn đặt hàng trong nước là 43 chiếc. Chủ yếu từ Nhà nước nước theo các chương trình hiện đại hóa đội tàu kiểm ngư và tàu cá vỏ thép.
Số tàu bàn giao kể trên đã vượt 5 tàu so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm và nếu so với cùng kỳ năm trước đã tăng đáng kể. Năm 2013, các đơn vị thành viên SBIC bàn gia được 47 tàu, thu về 142 triệu USD.
Tổng doanh thu năm qua đã vượt con số trên 7.640 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch hồi đầu năm.
Dẫu vậy, kết thúc năm tài chính 2014, SBIC vẫn còn lỗ hơn 2.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không tính nguồn thu từ tái cơ cấu và thanh lý tài sản với số tiền 1.900 tỷ đồng thì số thực lỗ có thể lên đến gần 4.100 tỷ đồng.
Hai nguyên nhân dẫn đến số lỗ vẫn còn cao được cho là do chi phí tài chính cao, trong đó chủ yếu là lãi vay. Cụ thể, tính toán của doanh nghiệp cho thấy riêng chi phí lãi vay trong năm qua đã lên đến 2.800 tỷ đồng. Điều này cùng với nguyên do phải trích lập khấu hao lớn vì hầu hết tài sản chưa được dùng với công suất cao đã “ăn” hết vào phần lãi làm ra.
Lãnh đạo SBIC cho biết là đơn vị này đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài (135 triệu USD), nợ trong nước giai đoạn I ( 16.613 tỷ đồng cả gốc và lãi) và hiện đang tiếp tục tập trung tái cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ Trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính, nợ nhà thầu cung cấp...