Bạn kể rằng, mới vài hôm trước, một người quen gọi điện nói khó, nhờ bạn mở giùm thẻ tín dụng cho đủ chỉ tiêu.
Thủ tục rất thuận tiện, đơn giản, chỉ cần cung cấp bản photo chứng minh thư, số điện thoại, sau đó người quen sẽ kích hoạt thẻ online trước.
Còn gì cần ký tá thì hoàn thiện sau cũng được. Bạn tôi bảo rằng, đừng cả nể đồng ý với những đề nghị như vậy nếu không có nhu cầu thật sự, vì rất có thể ta sẽ đối mặt với khoản nợ trên trời rơi xuống.
Chuyện của bạn làm tôi nhớ đến nhiều tình huống tranh chấp tại tòa, người ta bị kéo vào quá trình tố tụng kéo dài, phải đối mặt với nghĩa vụ tiền bạc không nhỏ, thậm chí đối mặt với tù tội chỉ vì sự cả nể.
Chẳng hạn như trường hợp ông Phùng Ngọc Khoa (trú tại Tuyên Quang) bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên buộc phải trả số tiền 2,4 tỷ đồng để cấn trừ số tiền nghĩa vụ mà bị cáo Bùi Bảo Thắng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 59 tỷ đồng.
Hồ sơ chứng cứ tài liệu vụ án cho thấy có số tiền 2,4 tỷ đồng được bị cáo Giang chuyển vào tài khoản đứng tên ông Khoa.
Bị cáo khai dùng tiền chiếm đoạt được để trả khoản tiền bị cáo vay ông Khoa lúc trước.
Tuy nhiên, ông Khoa khẳng định rằng ông không tự mở tài khoản ngân hàng, không mở thẻ ATM cũng không nhờ ai làm việc đó, không ký hồ sơ, không sử dụng dịch vụ tài khoản của bất cứ ngân hàng nào.
Trong vụ án này, còn một số người khác rơi vào tình cảnh tương tự ông Khoa và bị Tòa tuyên buộc phải trả lại số tiền đã nhận từ các bị cáo.
Họ đều khai đó là tiền nhận hộ và sau đó đã trả lại cho người phạm tội. Họ không sử dụng số tiền đó, không biết đó là tiền bất hợp pháp, tiền do phạm tội mà có.
Vì phần nội dung này, vụ án bị điều tra bổ sung nhiều lần, bị hủy án phần dân sự để điều tra lại, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần hai nhưng vẫn chưa xong.
Ông Khoa than thở, suốt mấy năm làm việc với cơ quan điều tra, theo hầu tòa, đơn từ kêu cứu khắp nơi mà nguy cơ vẫn treo lơ lửng. Nào có ai cho vay vài tỷ đồng mà không có giấy tờ biên nhận, mà ông thì lấy đâu ra tiền để cho vay?
Trong vụ việc khác, một nhân viên kế toán đã ký giúp công ty cam kết bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ khi công ty vay tiền ngân hàng.
Đến khi ngân hàng kiện ra tòa đòi nợ thì mới tòi ra nghĩa vụ trả nợ thay của vị kế toán kia.
Tại phiên tòa, chị kế toán đã hết sức trình bày sự việc và đề nghị Tòa án không buộc chị phải có nghĩa vụ trả thay.
Công ty có thế chấp thêm nhà đất, cũng có thêm sự bảo lãnh của người khác, phạm vi bảo lãnh của nhân viên kế toán không lớn nên rủi ro tiền bạc cũng không đến mức thành cảnh trắng tay. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ thay thì không tránh được.
Dù vậy, những trường hợp trên mới dừng lại ở nghĩa vụ dân sự, ở trách nhiệm trả tiền.
Thôi thì coi như “tiêu tiền tiêu tai”. Có những tình huống khác, cái giá phải trả cho việc “sảy chân” nặng nề hơn nhiều.
Còn nhớ, trong vụ việc giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng trục đường phát triển kinh tế Bắc Nam đoạn qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội), ngoài hàng loạt cán bộ giải phóng mặt bằng phải hầu tòa, 15 nông dân đã có hành vi khai khống để lấy tiền bồi thường, số tiền được nhận thêm vài chục triệu đồng.
Vì hành vi này, họ đã phải trả giá bằng bản án từ vài tháng án treo cho tới 2 năm tù, tùy trường hợp.
Gần đây, nhóm 13 nhân viên làm việc tại 2 công ty cà phê ở tỉnh Gia Lai đã đóng tiền bảo hiểm xã hội đủ năm để hưởng chế độ hưu trí đã nhờ một công chức tư pháp và một cán bộ bảo hiểm xã hội khai tăng tuổi thật, làm giấy khai sinh giả để đưa vào điều chỉnh năm sinh trên sổ bảo hiểm xã hội nhằm đủ tuổi về hưu.
Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2012 đến 2016, các công nhân đã móc nối với 2 cán bộ Nguyễn Văn Dũng và Đậu Thị Hồng Lương để được tư vấn, hướng dẫn, điều chỉnh, hợp thức hóa lại hồ sơ cho hợp pháp để hưởng chế độ hưu trí sớm.
Số tiền hưởng lợi người nhiều thì trăm triệu, người ít được 50 triệu. Số tiền này được nhận trong vòng từ 1 - 4 năm tùy trường hợp, tính ra mỗi tháng chỉ thêm vài triệu đồng.
Đối với những hộ gia đình là công nhân ở Gia Lai, số tiền này có giá trị nhất định nhưng cũng chẳng đủ để thay đổi hoàn cảnh sống, chỉ là thêm một khoản để chi tiêu. Khi tìm cách để tranh thủ chút lợi ích này, không ai trong số họ có thể ngờ tới có ngày họ phải trả giá trước pháp luật, phải nhận án tù. Tất nhiên, các cán bộ tiếp tay cũng không tránh được bản án hình sự.
Một vị trưởng công an xã cũng vướng vào vụ việc này. Thấy có nhiều công nhân chạy được chế độ hưu trí sớm, Hoàng Quốc Việt là Trưởng công an xã Ia Sao đã nhờ vả để chạy chế độ hưu sớm cho chị gái.
Bản thân ông Việt đã làm lại sổ hộ khẩu cho chị gái bằng giấy khai sinh giả và bị quy kết giả mạo trong công tác, nhận mức án 2 năm tù.
Thực tế, việc vận dụng pháp luật, lách luật thậm chí là vi phạm pháp luật để tranh thủ thêm lợi ích rất phổ biến.
Việc gửi gắm chiếc phong bì, chia chác tỷ lệ, chiết khấu phần trăm... để được giải quyết nhanh gọn, hiệu quả, gia tăng lợi ích trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày.
Trong nhiều trường hợp, nhiều vụ việc, nhiều chuyên gia pháp lý đã lên tiếng cảnh báo rủi ro, nguy cơ.
Chỉ là khi thực hiện, chẳng mấy ai nghĩ đến ẩn họa đằng sau đó.
Đôi khi người ta nghĩ đơn giản là nhờ cán bộ xác nhận giùm tình trạng nhà đất, tài sản, thông tin nhân thân... để làm việc nọ, việc kia, thế nhưng, lợi ích bất thường, khoản tiền nhiều hơn đó, rất có thể kèm theo một cuộc điều tra diễn ra sau này.
Trong vụ đại án gây thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng liên quan đến đất đai được đưa ra xét xử ngay trước Tết Nguyên đán, một giám đốc doanh nghiệp đã khăng khăng rằng: “Chính quyền địa phương có chủ trương bán thì tôi mua, bên mua không cần biết có sai không và ai sai”.
Ở từng vụ việc cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có chứng minh, đánh giá xem xét, nhưng một nguyên tắc cơ bản là pháp luật buộc chúng ta phải biết để hành xử đúng pháp luật, không thể viện dẫn lý lẽ không biết quy định pháp luật.
Nói vui một chút thì những lợi ích bất ngờ khó tin như được cho khoản tiền lớn, mua được miếng đất giá cực rẻ... thường khiến người ta nảy sinh những câu hỏi như: Vì sao, tại sao lại được cho tiền?
Tiền ở đâu ra, hay là vì sao giá lại rẻ thế? Những nguyên nhân phía sau có thể đem lại rất nhiều rắc rối, nếu người ta bỏ qua sự thận trọng.