Nhận định trên được Savills đưa ra trong báo cáo về thị trường nhà ở Hà Nội quý I/2023 được phát hành mới đây, đặc biệt với phân khúc biệt thự, liền kề.
Theo Savills, nguồn cung mới trong quý I/2023 rất hạn chế, chỉ có 29 căn biệt thự, đến từ một dự án hiện hữu ở Mê Linh, giảm tới 96% theo năm.
Nguồn cung sơ cấp đến từ 14 dự án, giảm 50% theo năm.
Về thanh khoản, cả quý chỉ có 88 giao dịch, giảm 78% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2016, giảm 32 điểm % theo năm. Các dự án ở huyện Mê Linh và Gia Lâm có mức giá hợp lý chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng giao dịch của quý I.
Giá sơ cấp biệt thự trong kỳ giảm 14% theo quý, liền kề giảm 3% do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh. Trong khi đó, giá shophouse sơ cấp ổn định do quỹ căn tồn kho giá cao tại quận Hoàng Mai và Tây Hồ. Người mua có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thứ cấp, nhờ mức giá thấp hơn 17% so với sản phẩm sơ cấp.
Theo Savills, đến cuối năm nay, khoảng 1.800 căn dự kiến sẽ được tung ra thị trường. Huyện Mê Linh chiếm thị phần lớn nhất, tiếp theo là Hoài Đức và Thanh Trì. Cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường bất động sản, điển hình là từ khi tuyến Metro số 2A đưa vào hoạt động, giá thứ cấp biệt thự tại quận Hà Đông đã tăng 37%, nhà liền kề tăng 26% và shophouse tăng 6%.
Với phân khúc căn hộ, nguồn cung sơ cấp giảm 4% theo năm. Nguồn cung mới gồm 2.040 căn hộ đến từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý. Nguồn cung sơ cấp hạn chế trong khi giá vẫn tăng đã tạo điều kiện cho thị trường thứ cấp phát triển theo hướng bền vững.
Trong đó, khu vực phía Tây tiếp tục dẫn đầu về nguồn cầu và số lượng giao dịch, được coi là khu vực trung tâm mới với cơ sở vật chất hiện đại. Các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 46% nguồn cung sơ cấp và 51% số căn bán được trong quý.