Căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang là phân khúc "ăn nên làm ra". Ảnh: Shutterstock.

Căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang là phân khúc "ăn nên làm ra". Ảnh: Shutterstock.

Savills: Nhu cầu cao đẩy giá thuê căn hộ dịch vụ tại Hà Nội tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong công tác quản lý, vận hành phân khúc căn hộ dịch vụ, khối ngoại đang hoàn toàn chiếm ưu thế.

Cảm hứng từ FDI

Theo Savills, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong quý I/2024 tiếp đà tăng trưởng khả quan. Nguồn cung căn hộ giữ mức ổn định theo quý và tăng 2% theo năm sau khi hai dự án lớn, gồm Lancaster Luminaire và L7 West Lake Hà Nội, đi vào hoạt động trong năm 2023.

Về công suất, tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ toàn thị trường tăng 2% theo năm, đạt 82% trong những tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu về căn hộ dịch vụ tiếp tục gia tăng. Sức nóng của thị trường và nhu cầu sử dụng căn hộ dịch vụ gia tăng đang tạo ảnh hưởng trực tiếp lên giá thuê. Trong quý I/2024, giá thuê trung bình đạt 579.000 đồng/m2/tháng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời ổn định theo quý.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, có hai yếu tố chính tác động tới sự phục hồi của phân khúc căn hộ dịch vụ, bao gồm nguồn vốn FDI dồi dào và sự cải thiện của hệ thống hạ tầng.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng về thu hút nguồn vốn FDI. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 664 dự án FDI đăng ký mới với tổng giá trị lên tới hơn 4,77 tỷ USD được cấp giấy phép, tăng 57,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mang đến một lượng lớn các chuyên gia nước ngoài tới làm việc và sinh sống. Số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2023, Sở đã chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho 11.195 lượt tổ chức, doanh nghiệp, với 14.024 vị trí công việc dự kiến tuyển dụng. Trong đó, chủ yếu là các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

Sự gia tăng về số lượng các chuyên gia tại Hà Nội đã tạo ra nguồn cầu vững chắc cho căn hộ dịch vụ, giúp phân khúc này tiếp tục tăng trưởng tích cực. Dữ liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy trong ba tháng đầu năm 2024, thành phố đã thu hút vốn đầu tư FDI đăng ký lên đến 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn FDI đăng ký và tăng gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3/2024, Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh với tổng quy mô gần 300 ha và vốn đầu tư 257 triệu USD.

Các đơn vị vận hành quốc tế chiếm ưu thế tuyệt đối

Ông Matthew Powell cho rằng, dòng vốn FDI vào các tỉnh lân cận tiếp tục tạo ra nhu cầu ổn định về căn hộ dịch vụ tại thủ đô. Tiếp nối Hà Nội trong danh sách thu hút vốn FDI có các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Trong quý I/2024, một số khu công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư như khu công nghiệp Sông Công II (Thái Nguyên), Việt Hàn và Phúc Sơn (Bắc Giang).

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư hoàn thiện đóng vai trò then chốt đối với triển vọng của phân khúc căn hộ dịch vụ. Năm 2024, Hà Nội xác định đẩy nhanh triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Các dự án như cầu Thượng Cát, cầu Vạn Phúc bắc qua sông Hồng, đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và tuyến đường nối Mỹ Đình - Ba Sao – Bái Đính sẽ được ưu tiên triển khai. Điều này không chỉ góp phần vào sự phát triển của hệ thống hạ tầng mà còn tăng khả năng liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển tới trung tâm Hà Nội đối với các chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp tại một số tỉnh lân cận.

Dự báo về nguồn cung căn hộ dịch vụ trong bối cảnh nhu cầu gia tăng như hiện nay, ông Matthew Powell phân tích thêm, từ năm 2024, có tổng cộng 3.821 căn hộ dịch vụ được ghi nhận, trong đó có hai dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay với tổng số 454 căn. Quận Tây Hồ dự kiến sẽ đóng góp một phần lớn vào nguồn cung này, chiếm tỷ lệ 63%, tương đương với 2.423 căn từ 6 dự án mới. Trong năm 2025, Tây Hồ View Complex dự kiến sẽ gia tăng nguồn cung căn hộ hạng A lớn nhất.

Đáng chú ý, các đơn vị vận hành quốc tế tiếp tục chiếm đa số thị phần nguồn cung căn hộ dịch vụ trong thời gian tới, với 87% nguồn cung tương lai. Một số dự án nổi bật có thể kể đến như The Ascott, Lotte Group, Parkroyal Serviced Suites, Shila Hotels & Resorts, Hilton và Hyatt. Điều này cho thấy sự tham gia tích cực của các thương hiệu quốc tế trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội.

"Các chuyên gia nước ngoài thường sẽ lựa chọn thuê căn hộ dịch vụ do các đơn vị vận hành nước quốc tế quản lý do đáp ứng được nhiều yêu cầu về tiện ích và chất lượng dịch vụ. Do vậy, đối với các chủ đầu tư căn hộ dịch vụ, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, cần tập trung cải thiện chất lượng xây dựng, chất lượng dịch vụ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan