Quan sát diễn biến thị trường nhà ở Hà Nội 5 năm qua, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Kinh doanh nhà ở quốc tế Savills Hà Nội cho rằng, thị trường nhà ở ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung tại tất cả các khu vực của Hà Nội.
Đáng chú ý, khu vực phía Tây Hà Nội thường chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70% toàn nguồn cung thị trường. Đây là khu vực năng động và tập trung đến 60% các cao ốc văn phòng của Hà Nội.
Phía Đông cũng ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020 khi thị trường đón nhận một số dự án lớn. Khu vực trung tâm với quỹ đất đã cạn kiệt, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nguồn cung.
Đại diện Savills cũng chia thị trường nhà ở tại Hà Nội làm 2 giai đoạn chính.
Giai đoạn 2015 đến cuối 2018: Thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các phân khúc và các loại hình sản phẩm nhà ở, đặc biệt với thị trường nhà ở thấp tầng với các sản phẩm có thương hiệu. Sức hấp thụ trong giai đoạn này rất khả quan về cả giao dịch của khách Việt Nam và khách nước ngoài.
Giai đoạn 2019 đến 2020: Thị trường bắt đầu trầm lắng, nguồn cung hạn chế, chính sách tài chính thắt chặt và đặc biệt là sự tác động của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã khiến thị trường gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Savills đánh giá, nhu cầu nhà ở và số lượng giao dịch của thị trường bị ảnh hưởng rõ rệt bởi đại dịch Covid-19. Một loạt hệ lụy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và đến tất cả các ngành bao gồm cả bất động sản.
Nhu cầu nhà ở bị dồn nén trong 6 tháng đầu năm, thúc đẩy hoạt động thị trường trong 6 tháng cuối năm 2020. Nguồn cầu trong nước duy trì ổn định hơn, đặc biệt với căn hộ bình dân. Các chủ đầu tư bắt đầu tập trung vào khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Savills đánh giá, tình hình thị trường cả năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch với số lượng căn bán được giảm 43% theo năm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Các giao dịch chủ yếu ghi nhận trong quý I và quý IV/2020.
Các dự án gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút và giải quyết các giao dịch với tệp khách hàng nước ngoài khi Chính phủ buộc phải đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc đóng cửa biên giới bằng tất cả các phương tiện do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp.
“Năm 2021 được kỳ vọng là giai đoạn phục hồi của thị trường nhà ở nhưng mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc khan hiếm nguồn cung sẽ không phải là câu chuyện của thị trường Hà Nội, mặc dù số lượng các dự án mới tung trong năm 2020 và 2019 có ít hơn so với những năm trước. Các rào cản pháp lý đang được tháo gỡ cùng với thực tế đã có tình trạng khan hiếm nguồn cung sơ cấp tại một số thị trường khiến các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong năm 2020, được đánh giá là sẽ giảm thiểu bớt khả năng này trong năm 2021. Giá cả các phân khúc bất động sản trong năm 2021 sẽ thuận lợi cho các dự án ở đô thị. Nhìn chung sẽ khó có biến động lớn cho thị trường căn hộ”, ông Thêm đánh giá.
Cũng theo ông Thêm, việc phục hồi đồng bộ của tất cả các ngành nghề kinh doanh trên cả nước sẽ giải bài toán về việc làm, thu nhập và chất lượng sống của người dân. Từ đó cải thiện nhu cầu nhà ở. Thị trường nhà ở trong năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường khách hàng trong nước cho mục đích để ở hoặc sử dụng.