Sáu vùng không gian kinh tế tạo động lực cho Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Ngãi phát triển 6 vùng không gian kinh tế động lực với định hướng phát triển các hoạt động kinh tế- xã hội theo đặc trưng từng vùng để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả.
Sáu vùng không gian kinh tế tạo động lực cho Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt vào ngày 22/11/2023, tỉnh Quảng Ngãi phát triển 6 vùng không gian kinh tế động lực.

Cụ thể, vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ, bao gồm: TP. Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, TP. Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh.

Về vùng động lực công nghiệp của tỉnh, bao gồm, huyện Bình Sơn và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh.

Theo quy hoạch, đây là khu vực trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp lọc hoá dầu, luyện thép, chế tạo sau thép, năng lượng tái tạo, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến gỗ, các ngành công nghiệp hỗ trợ... và dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển gắn với cảng nước sâu Dung Quất, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển, giao thương hàng hóa quốc tế.

Đối với vùng kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi định hướng phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối với trung tâm là thị xã Đức Phổ. Từ đó, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hình thành chuỗi giá trị ngành hàng, trung tâm xúc tiến, ứng dụng công nghệ cao hướng tới khai thác bền vững.

Vùng kinh tế rừng xanh, gồm các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Khu vực này sẽ trở thành các trung tâm kinh tế miền cao, vùng trồng dược liệu, trồng rừng cây gỗ lớn, các trung tâm chế biến lâm sản, phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch - văn hoá địa phương, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi…

Vùng kinh tế nông nghiệp là các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn, các vùng chuyên canh sản xuất nông - lâm sản…

Đặc biệt, vùng kinh tế biển đảo, đảo Lý Sơn được định hướng vai trò là tiền phương của ngành du lịch biển đảo, khu vực này sẽ phát triển trở thành một đô thị du lịch cao cấp gắn với các hoạt động tham quan nghỉ dưỡng biển, du lịch trải nghiệm các lễ hội truyền thống, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương (hành, tỏi...), bảo tồn và phát huy các làng chài.

Bên cạnh đó, các hành lang kinh tế chiến lược không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ngãi như hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang); Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ.

Trong quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Được biết, đến nay Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả rất ấn tượng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, trong 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đến nay có 24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giao; nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,24%; tổng thu ngân sách đạt hơn 28.600 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao và vượt 19,4% dự toán HĐND tỉnh giao.

Tin bài liên quan