Giá cước 4G trở thành lợi thế cạnh tranh
Gần như khi công bố giá các gói cước, các nhà mạng đều khẳng định giá cước 4G của mình là “rẻ nhất”, “hấp dẫn nhất”, “hợp lý nhất”… Điều đó có nghĩa, với các nhà mạng, giá là yếu tố hàng đầu tạo lợi thế cạnh tranh.
Đại diện nhà mạng VinaPhone khẳng định: “VinaPhone là nhà mạng có gói data tháng cho cả 3G và 4G rẻ nhất Việt Nam hiện nay”. Còn đại diện MobiFone thì cho rằng: “Ở thời điểm hiện tại, các gói cước tốc độ cao của MobiFone đang có sức hấp dẫn lớn trên thị trường”.
Trong khi đó, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel thì truyền đi thông điệp rằng, giá cước 4G của Viettel chỉ bằng 40 - 60% giá cước 3G. “Chúng tôi cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất”, ông Hoàng Sơn khẳng định.
Ngoài việc ngầm đua giá cước 4G bằng cách cố gắng xây dựng các gói cước có giá thấp hơn đối thủ, các nhà mạng còn tạo ra bản sắc riêng cho các gói cước.
Với VinaPhone, đó là việc cung cấp gói 3G, 4G xen kẽ với nhau và có các gói mua thêm “hấp dẫn nhất trên thị trường”, với việc xây dựng các gói cước mua thêm từ 15.000 - 35.000 đồng, người dùng đã có tương ứng 500 MB đến 2 GB data bổ sung, không phân biệt gói chính.
Còn lãnh đạo MobiFone thì tiết lộ, từ giữa tháng 7/2017, MobiFone sẽ đồng loạt triển khai các gói cước nội dung tiện ích trên nền tảng 4G chất lượng cao như các gói data plus - sử dụng dịch vụ data làm trung tâm, ưu đãi thêm dịch vụ thoại, các gói cước data tăng trải nghiệm cho khách hàng như gói data IP 4G, Fim+…, với nội dung linh hoạt và đa dạng trong các lĩnh vực âm nhạc, thể thao, phim ảnh, trò chơi trên di động, y tế, giáo dục… phù hợp với mọi nhu cầu của người sử dụng, đồng thời ra mắt các dịch vụ phục vụ mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, MobiFone sẽ là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới như Google, Facebook, iFlix, Youtube, Fim+… để phát triển và khai thác các nội dung có bản quyền đầy đủ, mang lại trải nghiệm khác biệt cho người sử dụng về tốc độ và chất lượng dịch vụ.
Nhà mạng Viettel mới đây cũng đưa ra một loạt các gói cước 4G chuyên biệt phục vụ nhu cầu dùng mạng xã hội facebook và xem youtube với giá “siêu rẻ”. Đó là các gói 4G truy cập facebook, theo ngày, tuần, tháng: 4GFB1 (3.000 đồng/ngày không giới hạn, 4GFB7 (15.000 đồng/tuần không giới hạn) và 4GFB30 (30.000 đồng/30 ngày được 20GB để truy cập facebook trong vòng 30 ngày.
Để xem clip trên youtube qua công nghệ 4G, khách hàng có thể lựa chọn 3 gói 4GYT1, 4GYT7 và 4GYT30 với giá cước lần lượt là 10.000 đồng/ngày được 3GB truy cập youtube với khách hàng trả trước, không giới hạn dung lượng đối với khách hàng trả sau; 30.000 đồng được 9 GB truy cập youtube trong 7 ngày, không giới hạn dung lượng đối với trả sau; 100.000 đồng được 30GB truy cập youtube trong 30 ngày, không giới hạn dung lượng đối với khách hàng trả sau.
Có rẻ hơn được nữa?
Nếu tính ở mức gói cước cơ bản mà cả 3 nhà mạng đang cung cấp là 70.000 đồng/tháng thì hiện tại mức giá cước 4G của Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 1,5USD/1GB, vào nhóm giá cước 4G thấp trên thế giới hiện nay. Còn nếu tính trên gói cước chuyên biệt như của Viettel, thì giá cước 4G ở Việt Nam là thấp nhất thế giới.
Chính vì vậy, việc giảm giá cước 4G của nhà mạng là tương đối khó, vì phải căn cứ trên giá thành của mỗi suất đầu tư 4G mà họ triển khai.
Với VinaPhone, MobiFone có thể tiếp tục giảm giá cước vì không thuộc diện doanh nghiệp chi phối thị trường, nhưng sẽ bị bó buộc bởi giá thành, bán rẻ hơn họ sẽ lỗ. Còn Viettel thì khó khăn hơn, vì họ khó đưa ra các gói cước rẻ hoặc rất rẻ bởi phải chịu những quy định về nhà mạng có thị phần khống chế.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề nghị Cục Viễn thông chủ trì nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển dịch vụ nội dung trên nền tảng 4G, nghiên cứu để có chính sách quản lý giá cước viễn thông và 4G phù hợp với tình hình phát triển của thị trường.
“Giá cước phải do thị trường quyết định, phải xem xét các các nước quản lý, nước mình quản lý như hiện nay có phù hợp không. Các nhà mạng cũng phải đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, thay đổi chính sách quản lý giá cước roaming quốc tế chiều về”, Bộ trưởng nhấn mạnh.