Trong các thị trường sắt thép nhập khẩu, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng nhập với gần 3,95 triệu tấn (chiếm 50% tổng lượng), kim ngạch đạt hơn 2,23 tỷ USD, giảm gần 24% về lượng.
Mức giá thép Trung Quốc nhập về Việt Nam vào khoảng 12,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn 400.000 đồng/tấn so với giá thép nhập bình quân của Việt Nam từ các thị trường trên thế giới.
Trung Quốc hiện là nước có sản lượng thép sản xuất lớn nhất thế giới và lượng sắt thép xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhờ lợi thế về quy mô nên giá thép nước này luôn rẻ hơn so với giá thép của các nước trên thế giới như Nga, Nhật, Hàn Quốc hay Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá thép nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ về Việt Nam có sự gia tăng rất mạnh về lượng với 812 nghìn tấn, kim ngạch đạt 422 triệu USD, tăng hơn 20,3 lần về lượng và hơn 13 lần về giá trị.
Bình quân giá thép Ấn Độ chỉ là 11,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn hẳn 1 triệu đồng/tấn so với giá thép Trung Quốc và thấp hơn 1,4 triệu đồng/tấn so với mức giá thép nhập khẩu bình quân các thị trường về Việt Nam.
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, sở dĩ tốc độ nhập khẩu thép Ấn Độ về Việt Nam tăng nhanh là do giá rẻ nhất thị trường, rẻ hơn cả thép Trung Quốc.
Cụ thể, bình quân giá thép Ấn Độ chỉ là 11,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn hẳn 1 triệu đồng/tấn so với giá thép Trung Quốc và thấp hơn 1,4 triệu đồng/tấn so với mức giá thép nhập khẩu bình quân các thị trường về Việt Nam.
Hiện nay, ngành thép trong nước vẫn phải nhập nhiều loại thép hợp kim hoặc nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất trong nước hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, Việt Nam hiện đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương, ưu đãi thuế nhập khẩu thép nên việc giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sắt thép được thực hiện.
Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cắt giảm sản phẩm, chuyển sang nhập thép bán nhờ ưu đãi về thuế.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ 3 thế giới và là nhà sản xuất sắt xốp lớn nhất thế giới. Nhờ lợi thế sản xuất thép từ quặng trong nước nên giá thép Ấn Độ rẻ hơn so với giá sắt thép của nhiều đối thủ cạnh tranh trên thế giới, ngay cả với 2 nhà sản xuất sắt thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản.