Đối mặt thách thức
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% và nhập khẩu từ Mỹ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,2 tỷ USD), tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (hơn 22 tỷ USD), dệt may (hơn 16,1 tỷ USD), gỗ và các sản phẩm gỗ (hơn 9 tỷ USD), giày dép các loại (gần 8,3 tỷ USD)…
Trước việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng, các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Các nhà sản xuất nội địa lĩnh vực dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ, tỷ lệ này tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG) là 46%, tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT) là 35%, tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) là 25%. Một trong những nhà sản xuất đồ gỗ lớn là Savimex (mã SAV) có 50% doanh thu đến từ xuất khẩu sang Mỹ.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện TNG cho biết, Công ty rất bất ngờ về chính sách thuế lần này của Mỹ. Trước đó, TNG dự đoán, tỷ lệ áp thuế có thể lên đến 5 - 10%, nhưng không ngờ Mỹ lại công bố tỷ lệ 46% với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
“Đây là tỷ lệ chung, còn riêng đối với dệt may thì chưa cụ thể nên cần chờ thêm thông tin. Tuy nhiên, các nước đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam là Bangladesh, Campuchia… cũng chịu mức thuế cao nên rủi ro là như nhau”, đại diện TNG nói.
TNG hiện có tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ hơn 40% cơ cấu doanh thu. Công ty đang tìm giải pháp thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ, đồng thời tìm kiếm khách hàng mới.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành gỗ tại Bình Dương có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm phần lớn trong tổng doanh thu chia sẻ, ông choáng váng khi nhận thông tin Mỹ áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy mức thuế cụ thể với gỗ và các sản phẩm gỗ chưa có nhưng thông tin này là bước mở đầu cho những khó khăn lớn mà doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt tới đây.
“Mức thuế cao, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tính toán lại, có thể họ không mua hàng của Việt Nam nữa nếu có lựa chọn khác với giá tốt hơn. Với những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ lớn, từ 70 - 100% sẽ chịu ảnh hưởng nặng, buộc phải tính toán lại về công suất sản xuất, thu hẹp hoặc thậm chí bài toán xấu hơn cần tính đến là dừng sản xuất”, vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh.
Tìm kiếm thị trường mới thay thế thị trường Mỹ không dễ dàng, doanh nghiệp cần có thời gian để chuẩn bị, trong khi chịu các áp lực về chi phí vận hành, chi phí tài chính, tồn kho… Một số doanh nghiệp lo ngại, các nhà nhập khẩu tại Mỹ có thể sẽ dừng mua hàng vì thuế cao.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, với mức chênh lệch thuế quá lớn nếu bị áp thuế theo mức đã công bố hôm 2/4, thủy sản Việt Nam gần như không thể cạnh tranh được tại Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là Ecuador chỉ chịu thuế 10%. Các đối thủ xuất khẩu thủy sản khác bị áp thuế ở mức thấp hơn Việt Nam như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%).
Trước đó, các doanh nghiệp ngành thủy sản dự đoán, Mỹ có thể áp thuế ở mức 10%, nhưng con số thực tế lên tới 46%, vượt xa mọi tính toán. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ hoặc đàm phán để điều chỉnh thuế, việc rút khỏi thị trường Mỹ không còn là chuyện xa vời.
Tại Tập đoàn Sao Mai (mã ASM), tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ thấp nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan lần này, nhưng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp. Theo lãnh đạo ASM, các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ không được, hàng “dội ngược lại” sẽ dẫn tới tình trạng dư cung, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn hơn.
“Họ sẽ tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có những thị trường chúng tôi đang bán”, lãnh đạo ASM nói. Các thị trường xuất khẩu chính của ASM trong thời gian qua là Nam Mỹ, Trung Đông, Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Chiến lược đa dạng thị trường
Đa dạng thị trường là chủ đề chính mà các doanh nghiệp xuất khẩu đề cập để hạn chế rủi ro sau khi bị Mỹ áp thuế cao.
Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ 46% là mức thuế chung, Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để hạ mức thuế xuống, thông qua việc tăng cường mua hàng từ Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Với mức thuế quan mới của Mỹ, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, gỗ, giày da… đều chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các doanh nghiệp cần tập trung tìm kiếm khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ bằng chất lượng, giá thành cạnh tranh.
Đại diện TNG cho biết, Công ty sẽ tập trung vào thị trường EU và Nga. Trong tuần này, TNG có đoàn sang Nga để xúc tiến thương mại, hy vọng sẽ có thêm khách hàng mới.
“Hiện tỷ lệ xuất khẩu vào Nga của TNG chiếm 9 - 10%, chúng tôi muốn nâng tỷ lệ này lên. Hội đồng quản trị sẽ họp bàn để lên kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh hiện nay”, đại diện TNG chia sẻ.
Tại TCM, Công ty hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 4 châu lục, với khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Trong tháng 2/2025, TCM xuất khẩu sang châu Á chiếm 77,3% (trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 28,24%, thị trường Nhật Bản chiếm 21,13%, thị trường Trung Quốc chiếm 11,35%). Tỷ trọng mà TCM xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm 21,1% (Mỹ chiếm 15,12%, Canada chiếm 5,48%), thị trường châu Âu chiếm 1,5% (riêng thị trường Anh chiếm 1,11%).
TCM cho hay, từ lâu, Công ty đã xác định mở rộng đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Năm 2025, TCM sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện môi trường, đáp ứng các yêu cầu cao về sản phẩm xanh như tại thị trường EU.
Trong khi đó, tổng giám đốc doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương chia sẻ, công ty đang có hơn 70% doanh thu đến từ xuất khẩu vào Mỹ. Trước tình hình hiện nay, doanh nghiệp sẽ đàm phán lại với các nhà nhập khẩu để có phương án tối ưu, đồng thời mở rộng tìm khách hàng mới. Công ty xuất khẩu sang Trung Đông, EU và một số thị trường khác, nhưng tỷ trọng không nhiều. Tìm giải pháp để nâng tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường ngoài Mỹ là việc doanh nghiệp sẽ chú trọng thực hiện.
Trong bối cảnh hiện tại, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang tính “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh”. Mỹ cần Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng không ngần ngại sử dụng công cụ thương mại để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Vì thế, Việt Nam cần một chiến lược khôn ngoan, biết tận dụng cơ hội từ chính sách “Bạn bè hóa” của Mỹ, nhưng cũng phải tỉnh táo trước những áp lực thương mại ngày càng gia tăng.
“Khó khăn với các doanh nghiệp là hiện hữu, nhưng lửa thử vàng, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tính toán chuyển hướng thị trường. Đây là bản lĩnh của người điều hành doanh nghiệp và chúng tôi có niềm tin vào khả năng này”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.