Mặc dù văn hóa và lịch sử của bán đảo này có liên hệ sâu sắc với Nga, nhưng Ukraine đã tạo cho nó một sinh mệnh kinh tế riêng, thông qua việc cung cấp mọi thứ, từ thực phẩm đến dịch vụ ngân hàng cho các khách du lịch người Ukraine đến đây, những người đóng góp đến 70% cho ngành du lịch Crimea. Khi những mối liên hệ kinh tế này trở nên căng thẳng và đứt gãy, Crimea đối mặt với tai họa kinh tế ngày càng nghiêm trọng.
Ngành du lịch đã rơi thẳng đứng, hệ thống ngân hàng rối loạn, và giá cả đang tăng lên khi Nga hạn chế hoạt động vận tải từ Ukraine. Thậm chí, hãng McDonald’s cũng bỏ đi khi đóng cửa 3 cửa hàng của họ ở bán đảo này.
Nga đã hứa sẽ tài trợ - bao gồm kế hoạch xây dựng các khu sòng bạc theo phong cách Las Vegas ở Crimea - nhưng điều đó sẽ không đến đủ nhanh để tránh một hậu quả mà Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov mô tả là “những khó khăn kinh tế tạm thời”.
Ảnh hưởng đối với lĩnh vực du lịch đã trở nên đặc biệt gay gắt. Các khách sạn vốn trật ních phòng vào mỗi tháng 5 thì nay chỉ vận hành được 10% công suất, giám đốc một công ty du lịch ở Crimea cho biết tại một triển lãm thương mại du lịch ở Moscow tháng trước, theo tờ Thời báo Moscow.
Bộ Du lịch Crimea ước tính, một nửa dân số của bán đảo này sống dựa một phần vào du lịch. “Chúng tôi đã mất rất nhiều (khách du lịch) do tình hình bất ổn”, ông Mikhail Buzhenkov, Giám đốc Khách sạn Porto Mare tại thị trấn Alushka bên bờ Biển Đen, nói. Giống như các chủ khách sạn khác ở Crimea, Buzhenkov hy vọng bán đảo sẽ thu hút trở lại các khách du lịch từ Ukraine, trong khi hấp dẫn thêm khách đến từ Nga. “Mọi người đang bắt đầu đến”, Buzhenkov nói, “nhưng chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.
Giá thực phẩm đang tăng lên khi hoạt động kiểm soát biên giới hạn chế việc vận chuyển thực phẩm tới bán đảo, theo Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu chính sách, một tổ chức có trụ sở tại Kiev. Các cửa khẩu hải quan của Nga, viện các quy định về y tế và các hạn chế khác, đang từ chối tiếp nhận xe hàng đến từ Ukraine, mà cho đến gần đây vẫn đóng góp đến 80% lượng thực phẩm cho các kệ hàng ở Crimea, Iaroslav Kovalchuk, một nhà phân tích của Trung tâm cho biết.
“Chúng tôi ước tính, giá cả có thể tăng 25% hoặc thậm chí 50% trong vài tháng tới”, Kovalchuk nói. Mặc dù Chính phủ Nga đã tăng phụ cấp hàng tháng thêm 50% cho những người đã nghỉ hưu ở Crimea và đang tăng luơng cho công chức nơi đây, “nhưng họ sẽ không cảm nhận được điều đó nếu giá cả tăng lên”.
Việc đóng cửa các ngân hàng được kiểm soát bởi chính quyền Ukraine ở Crimea, và sự chuyển đổi đồng tiền hôm 1/6, từ đồng hryvnia của Ukraine sang đồng ruble của Nga, đã chồng chất thêm khó khăn cho người dân bán đảo. Gần như tất cả các ngân hàng ở bán đảo này đã đóng cửa, và các khách hàng phải nhận lại khoản tiết kiệm của mình thông qua cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Nga (Nga bảo hiểm cho các khoản tiền gửi ngân hàng đến 20.000 USD). Hầu hết giao dịch kinh doanh ở Crimea giờ chỉ sử dụng tiền mặt, do các thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều không còn hoạt động.
Crimea vốn đã nghèo từ trước khi về với Nga. GDP bình quân đầu người ở bán đảo này là khoảng 2.500 USD, chỉ bằng xấp xỉ 1/4 thu nhập bình quân của thủ đô Kiev. Nga đã hứa sẽ bơm khoảng 48 tỷ USD vào Crimea trong vòng 10 năm tới, bao gồm việc làm đường xá mới, nâng cấp sân bay và xây dựng một cây cầu dài 5 km nối giữa bán đảo và đất liền Nga. Tuy nhiên, không có sự bảo đảm nào cho việc Nga sẽ cấp tiền như đã hứa, khi nền kinh tế của chính nước này cũng đang trượt vào suy thoái.
Hiện tại, Crimea dường như đang ngày càng cắt đứt mối liên hệ với phần còn lại của thế giới. Ngành vận tải trên Biển Đen, một trụ cột kinh tế khác của Crimea, cũng thất nghiệp phần lớn, do biến động địa chính trị.
“Sự phong tỏa về kinh tế và chính trị đang hiện hữu nơi đây”, Valery Belyakov, Phó giám đốc cảng Temryuk của Nga, nói với Bloomberg News. Bình thường thì Temryuk giao thương rất sôi động với Crimea. Còn nay, Belyakov nói, “các cảng chính của Crimea đang ở trong trạng thái bị quên lãng”.