DongA Bank - ABBank bất thành?
Trước câu hỏi liệu DongA Bank - ABBank có về chung nhà hay không trong thời gian tới, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, giữa hai ngân hàng đã có tiếp xúc và trao đổi, song đến nay chưa có quyết định cụ thể nào.
Liên quan đến việc tăng vốn, thông tin được DongA Bank đưa ra chiều ngày 10/7 cho biết, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay của ngân hàng sẽ có sự tham gia của cổ đông lớn là Kinh Đô.
Cụ thể, Kinh Đô sẽ chi 1.000 tỷ đồng để mua 100 triệu cổ phiếu DongA Bank với giá bằng mệnh giá. Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong quý III/2015. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Việc phát hành 1.000 tỷ đồng cổ phiếu của DongA Bank cho Kinh Đô sẽ được ĐHCĐ của DongA Bank trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội tổ chức vào ngày 21/7 tới đây. Nếu phát hành thành công, Kinh Đô sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của DongA Bank.
Theo ông Bình, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của DongA Bank cuối năm 2014 đầu năm 2015 bất thành là do giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường luôn thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng, nên DongA Bank gặp khó khăn trong việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu theo phương án trình NHNN phê duyệt.
Đồng thời, theo đề án tái cơ cấu DongA Bank đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của DongA Bank, được sự ủy quyền của ĐHCĐ, HĐQT DongA Bank đã chủ động tiếp xúc với nhiều đối tác trong và ngoài nước đến đàm phán với mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của DongA Bank.
Sau thời gian đàm phán, HĐQT DongA Bank nhận thấy Kinh Đô là nhà đầu tư phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của Ngân hàng. Kinh Đô cam kết mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn của DongA Bank.
Hiện các cổ đông chính của DongA Bank gồm: PNJ (7,7%), ông Trần Phương Bình và gia đình: 9,6%, Thành ủy TP. HCM (UBND TP.HCM) 6,9%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là 10%.
Năm 2014, DongA Bank đạt 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất (sau trích lập dự phòng rủi ro), giảm 96% so với năm 2013 do nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều. Kế hoạch cho năm nay, DongA Bank sẽ bán tiếp 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nên chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra chỉ ở mức 200 tỷ đồng trước thuế.
Nam A Bank - Eximbank sẽ có hồi kết?
Thị trường đang nóng lòng chờ ĐHCĐ bất thường của Nam A Bank diễn ra vào ngày 15/7 và ĐHCĐ thường niên Eximbank diễn ra ngày 21/7 tới, bởi câu chuyện M&A giữa hai ngân hàng này đã lan truyền trên thị trường từ giữa năm 2014 nhưng đến nay, mọi thông tin chỉ mới là phỏng đoán. Vì thế, ĐHCĐ lần này của 2 ngân hàng nói trên chính là tâm điểm của câu chuyện M&A.
Tuy chưa công bố chính thức, nhưng thị trường cuối tuần qua đã lan truyền thông tin, Vietcombank đã dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 8,2% vốn điều lệ của Eximbank cho một cá nhân xuất thân từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ.
Trong danh sách các ứng viên tham gia ứng cử HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới giai đoạn 2015 - 2020 cũng có 2 thành viên đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Nam A Bank. Tỷ lệ nắm giữa cổ phiếu Eximbank của 2 thành viên này là hơn 20%.
Hiện trong cơ cấu cổ đông lớn của Eximbank, cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng là Tập đoàn Sumimoto Mitsui Banking Corporation - SMBC (Nhật Bản) nắm tỷ lệ 20% cổ phần gồm có: ông Naoki Nishizawa, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,0496% (đại diện phần vốn của tổ chức); ông Yasuhiro Saitoh, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,0495% (đại diện phần vốn của tổ chức). Ngoài ra, ông Phạm Hữu Phú, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,1099% (trong đó cá nhân chiếm 8,1290%).
Tuy chưa công bố tài liệu ĐHCĐ bất thường, nhưng trong nội dung chương trình ĐHCĐ của Nam A Bank có việc miễn nhiễm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2011 - 2016) của ông Nguyễn Văn Toàn. Ông Toàn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank từ ngày 27/3/2015. Thị trường liên tưởng, nhiều khả năng việc miễn nhiễm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Toàn có liên quan đến ghế “nóng” của Eximbank.
Theo đánh giá từ thị trường, Nam A Bank được cho là đang tìm cách nắm quyền chi phối Eximbank. Đặc biệt là trong giai đoạn năm 2014, Eximbank hoạt động có phần sa sút về lợi nhuận trước bối cảnh nợ xấu tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng lớn.
Lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) của Eximbank trong năm 2014 chỉ vẻn vẹn 68 tỷ đồng. Nhưng liệu Nam A Bank có nắm được quyền chi phối cao nhất tại Eximbank khi quy mô của Nam A Bank hiện nay vẫn còn rất nhỏ so với người khổng lồ Eximbank.
Tính đến hết quý I/2015, vốn chủ sở hữu của Nam A Bank đạt xấp xỉ 3.400 tỷ đồng. Trong khi, Eximbank vốn chủ sở hữu đã lên đến 14.487 tỷ đồng. Tổng tài sản sản của Eximbank cũng đạt đến 144.839 tỷ đồng, trong khi Nam A Bank chỉ mới có 33.583 tỷ đồng.
Vì thế, với 20% cổ phần chi phối đang được đại diện bởi 2 thành viên đến từ Nam A Bank, nếu tính theo thị giá cổ phiếu Eximbank đang giao dịch trên sàn HOSE (khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu) thì giá trị cũng đã lên tới xấp xỉ 3.500 tỷ đồng là khoản đầu tư không nhỏ. Vì thế, câu chuyện sáp nhập giữa Nam A Bank - Eximbank phải chờ đến ĐHCĐ Eximbank ngày 21/7 tới mới được làm rõ ai sẽ là người ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT.